Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2020
Xuandien
Thứ nhất, sau khi đọc xong bài thơ, thú thật, tôi cũng đã từng là một “nữ sĩ” tâm hồn “treo ngược cành cây, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, nói phét nói lác, tâng bốc một vài người tưởng như dựng tượng đời đời kiếp kiếp trong tâm hồn Việt rồi… nhưng thời đó là cái thời chưa có Internet, mù thông tin, thông tin chỉ có ở một cái auto mà ra, còn bây giờ, chúng ta đang sống giữa thời đại thông tin bùng nổ, tốc độ còn nhanh hơn cả tốc độ của ánh sáng mà sao cô… tôi thương cô lắm cô à! Người ta chửi cô nào là “nâng bi, bê bô…”, nào là “SML”, nào là “giáo viên văn mà dạy trò kiểu này thì hỏng hết…”, nào là “dập dịch bằng thơ”, “nhại thơ”… Người ta đưa cô lên “bàn mổ”, mổ xẻ còn hơn cả người bị nhiễm dịch CoVid nặng… tội quá! Chẳng những thế, cô còn làm liên luỵ tới bao nhiêu người, nào là “thằng đăng báo cũng ngu, thằng xuống trát khen cũng ngu…” Cô thấy cái tác hại từ cái bài thơ dớ dẩn của cô chưa? Cô khen người ta nhưng “Yêu nhau lại chẳng bằng mười hại nhau”, cô xỏ dây giày vào mũi người ta rồi. Người ta cứ thấy được NỊNH là tít mắt vào rồi, chứ có trình độ đâu mà hiểu biết. Khổ! Cái “dây dợ” của đất nước này nó thế, cứ nhắm mắt kéo nhau chết chùm thế đấy!Thứ hai, đứng ở góc độ của người phê bình tiểu luận văn học, thì tôi xin có vài nhận xét bài thơ của cô như sau:
+ Chi tiết (1), chính phủ đón đồng bào mình từ “tâm dịch” về nước cách li trong một doanh trại bộ đội. Bộ đội phải vào rừng chịu mưa rét để nhường “chiếu giường”, chỗ ấm áp cho dân. Ôi! Nghe mà tim muốn tan chảy giống như “chỗ ướt mẹ nằm, chỗ khô con ngủ” vậy? Thế nhưng rất tiếc! Trong thực tế lại không có một doanh trại bộ đội nào làm thế cả, không báo chí nào đăng ngợi ca việc đó cả. Mà tôi chỉ thấy có một số video clip đăng tải trên Facebook của chính những người trong “tâm dịch” được đón về, quay chỗ ăn chỗ ở của họ ở một lán trại dã chiến nào đó, đặt trên một bãi đất trống, không giường chiếu, họ phải nằm trên sàn lạnh, có một số chăn trải… và họ thuyết minh: không thấy quản lí, y tá, bác sĩ nào đến chăm sóc cả…
+ Chi tiết (2), “Với con tàu đang khóc giữa đại dương, mình mở của đón…” Vậy tôi muốn hỏi: con tàu “đang khóc” đó là con tàu nào vậy? Ai đón? Báo nào đăng không? Trong khi đó, tôi chỉ thấy báo đưa tin về hai con tàu: (1) Con tàu WESTERDAM đi qua nhiều lãnh thổ nhưng bị các nước từ chối không cho cập cảng, chỉ Thủ tướng Hunsen (Campuchia) đón họ (14/2/2020), song vụ này cũng gây ra nhiều phản ứng của dân chúng. (2) là chiếc du thuyền DIAMOND PRINCESS thành “ổ dịch nổi”, bị cách li tại cảng Yokohama (nam Tokyo) Nhật Bản, ngày 16/02 và người Mỹ, Canada, Hongkong… đã đem phi cơ đến đón người của mình về nước trong tình nhân đạo…(18/02/2020) chẳng giống như “Ngạo nghễ VN…” mà có báo đã NỔ đâu…
Như vậy, nếu là thơ chính trị thì đăng tải sự kiện phải chính xác, đúng không cô? Chỉ cần 02 sự kiện cô “cáo buộc, vu khống, bịa đặt, điêu xạo” cho chính phủ là cô đã mắc tội “xỏ dây giày vào lỗ mũi” tất cả những người khen cô và cả giàn báo chí ngu dốt rồi. Đấy gọi là kính chả bõ phiền ở chỗ đó. Lại nhớ đến lời cụ bà Nghị: “Chúng mày cứ cái thói ấy chả trách được!” “mở mạng ra là thấy dân chúng chửi, chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai.” (Tổng báo chí – Thuận Hữu). Hỏi có oan ức gì không?
Thư viết đã dài mà còn biết bao điều tôi vẫn muốn nói với cô nhưng thôi. Những cái đầu giống cô thì thiên hạ còn đầy nhóc, nói nhiều cũng vô ích. Người ta thì cho cô “Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt” còn tôi và nhiều người khác thì cho cô “quả mướp đắng” nhưng “Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng?”. Tôi lo những thế hệ học sinh đi qua cô sau này sẽ ra sao? Bởi bài thơ này, đối tượng mà cô hướng tới dẫn dắt, sẻ chia… lại là “các em”. Các em trong thời đại mới “yêu nước” phải từ tâm, từ sự nhận thức đúng sai của chính nó. Yêu nước không thể bằng trái tim văn chương dối trá, trên mây trên gió, bịp bợm, cô Chu ạ! Hãy nghĩ đến ngày mai khi trẻ lớn khôn, chúng sẽ đánh giá sao về những thầy cô của hôm nay, cô nhé!
Thân ái!
Filed under: Blog Nguyenxuandien |
Trả lời