VNTB – Camera nhận diện: cai trị bằng sự sợ hãi

Diên Vỹ

24 tháng 6

VNThoibao

VNTB – Nguyễn Thiện Nhân đã đẻ ra việc “cai trị bằng sự sợ hãi” vì người dân làm gì, ở đâu cũng có thể bị nhận diện. 

Đánh tráo khái niệm 
Một năm trước, dự luật an ninh mạng đã làm cho người dân cả nước phẫn nộ. Với vỏ bọc an ninh mạng nhưng thay vì bảo vệ người dùng internet trước các nguy cơ tấn công kỹ thuật số và bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng, thì luật an ninh mạng được đặt ra nhằm bảo vệ nhà cầm quyền cộng sản trong nỗ lực bóp nghẹt các tiếng nói bất đồng, chỉ trích chính phủ, ý kiến trái chiều. Ngoài ra còn buộc các công ty lớn như Google và Facebook phải đặt máy chủ ở Việt Nam trong nỗ lực nhằm kiểm soát thông tin của người dùng internet.
Mặc cho sự phản đối của người dân và các tổ chức nhân quyền quốc tế, sự chỉ trích của các quốc gia trên thế giới về việc xâm phạm nhân quyền trắng trợn, luật an ninh mạng đã có hiệu lực vào tháng 1 năm 2019.
Người dùng internet bày tỏ chính kiến riêng đã gặp rắc rối khi liên tục bị xoá bài, khoá tài khoản với lý do mơ hồ chung chung là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Nhiều cá nhân đã bị phạt hành chính và bắt giam vì tội bôi xấu lãnh đạo, hay tuyên truyền thông tin chống phá nhà nước.
Trong khi đó cán bộ nhân viên nhà nước, sinh viên được khuyến cáo không được mở miệng hay ngứa ngáy tay chân mà phát ngôn, chia sẻ, hay like các bài viết trên mạng xã hội.
Cũng với việc đánh tráo khái niệm như luật an ninh mạng, đề án đô thị thông minh được đưa ra khi cho lắp đặt camera giám sát ở các thành phố lớn có khả năng nhận diện khuôn mặt.
Không ai lạ gì với camera an ninh ở khắp nơi trên thế giới.
Chỉ khác là ở các nước tân tiến, các camera an ninh thường có những bảng hiệu thông báo ở cửa sổ rằng họ có gắn camera theo dõi. Các camera theo dõi giao thông hay bắn tốc độ cũng có biển báo hay được gắn ở những vị trí ai cũng có thể thấy được.
Ở Việt Nam không ai lạ gì việc Cảnh sát giao thông núp lùm vác camera bắn tốc độ, và giờ là camera theo dõi người dân công khai.
Bắt chước Trung Quốc 
Năm 2018 Trung Quốc đã cho lắp đặt 200 triệu camera an ninh trên cả nước để giám sát người dân. Số camera này sẽ tăng lên 300 triệu vào năm 2020.
Chính quyền Trung Quốc cho rằng họ sử dụng camera để chính phủ quản lý kinh tế và xã hội bằng kỹ thuật cao. Với người Hán, thì đó là việc nhằm hạn chế các hành vi phạm pháp, thì việc sử dụng camera nhận dạng để kiểm soát người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương đã gây ra nhiều chỉ trích vì vi phạm nhân quyền.
Trung tâm điều hành chỉ huy đô thị thông minh đã lắp ráp 1.000 camera quan sát, trong đó có 50 camera có khả năng nhận diện khuôn mặt để bảo đảm an toàn cho thành phố. Mục đích lắp đặt camera là nhằm phát hiện các tình huống tụ tập đông người, phát sinh hành vi bạo lực, sự cố an ninh trật tự, các vấn đề về phương tiện,…
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phải xác định các vị trí nhạy cảm để lắp đặt camera. Trụ sở UBND TP.HCM, Nhà thờ Đức Bà, Lãnh sự quán Mỹ, Trung Quốc, Thảo Cầm Viên, Công trường Mê Linh( nơi có tượng Đức Thánh Trần với lư hương đã bị cẩu đi nơi khác) có lẽ là những nơi rất nhạy cảm vì đã được chính quyền thành phố ưu tiên cho gắn camera quan sát.
Ở những vị trí nhạy cảm này không mấy khi xảy ra giựt dọc, cướp bóc hay tai nạn xe cộ. Nên không ai không biết rằng các camera nhận dạng và giám sát được lắp đặt để giám sát việc tụ tập đông người mà ai cũng hiểu là khi người dân tụ tập biểu tình, hay chỉ đơn giản là thắp hương ở tượng Đức Thánh Trần.
Bằng việc cho lắp đặt camera nhận diện khuôn mặt ở các vị trí nhạy cảm như vậy, ông Bí thư thành uỷ từng du học ở Đức và Mỹ đang nỗ lực thực hiện cam kết “ không để nổ ra biểu tình” ở Sài Gòn với cấp trên.
Cai trị bằng sự sợ hãi
Ở một thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã cho phát lại trên các màn hình lớn ở nơi công cộng hình ảnh những người vi phạm giao thông cùng với thông tin cá nhân hòng ngăn ngừa tai nạn giao thông và gọi đó là “quản lý xã hội bằng sự xấu hổ”.
Họ cho rằng việc này đã đem lại kết quả khi tai nạn giao thông giảm đi mà không cho rằng đó là hành vi làm nhục người khác và vi phạm quyền riêng tư. Họ hạn chế được các hành vi vi phạm nhưng không giải quyết được gốc rễ vấn đề là giáo dục ý thức của người dân.
Nguyễn Thiện Nhân đã đẻ ra việc “cai trị bằng sự sợ hãi” vì người dân làm gì, ở đâu cũng có thể bị nhận diện.
Cái cảm giác bị theo dõi, rình mò không người Nam nào sau năm 1975 không biết tới. Họ phải dòm trước, ngó sau, cẩn thận từng lời ăn tiếng nói vì lo sợ sẽ bị tố. Cái cảm giác giờ đây lúc nào cũng có người theo dõi lại ụp lên đầu người dân Sài Gòn với các camera nhận diện khuôn mặt được lắp đặt.
Mục tiêu quản trị bằng thuật toán cho thành phố thông minh về thực chất không gì khác hơn là để đễ bề thực hiện việc cai trị dựa trên sự sợ hãi. Người dân và nhất là giới bất đồng chính kiến có thể bị chụp mũ, bắt bớ vì bất kỳ lý do tưởng như vô hại như vi phạm an toàn giao thông, hay vi phạm an ninh trật tự.
Số camera theo dõi sẽ không dừng lại ở con số 1.000 mà sẽ còn tăng lên và nhân rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước. Nhóm lợi ích nào đứng sau vụ thầu camera sẽ lại trúng quả đậm!?
Và cay đắng thay, người dân đã bị Luật an ninh mạng bịt miệng, nay lại bị thêm camera nhận dạng trói cả chân tay.

Bình luận về bài viết này