Giáo Già
(Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy)
Ngày 29 tháng 5 năm 2018
H,
Tin được đài VOA phổn biến ngày 29/05/2018 cho biết: “Bắc Hàn đã cử các quan chức hàng đầu tới Hoa Kỳ và Singapore, và theo Reuters, đây là chỉ dấu mới nhất cho thấy cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh tụ Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump có thể diễn ra, dù nguyên thủ Mỹ từng tuyên bố hủy”.
Bản tin nói rõ: “Ông Kim Yong Chol, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Công nhân cầm quyền, dự kiến tới Hoa Kỳ ngày 30/5 sau khi trao đổi với các quan chức Trung Quốc ở Bắc Kinh”, Reuters đưa tin, dẫn lại hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc [Xem hình: Ông Kim Yong Chol (trái) và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc hôm 26/5].
Trong khi đó, kênh NHK của Nhật đưa tin, ông Kim Chang Son, người được coi là chánh văn phòng của ông Kim Jong Un, đã bay tới Singapore sau khi quá cảnh ở Bắc Kinh cuối ngày 28/5.
Trước đó Tòa Bạch Ốc nói rằng một nhóm “tiền trạm” tới Singapore để gặp phía Bắc Hàn, theo Reuters. Đồng thời hãnh NHK đưa tin: “Các quan chức Mỹ gồm Phó Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc phụ trách hoạt động, Joe Hagin, đã rời một căn cứ không quân Mỹ ở Nhật Bản để tới Singapore hôm 28/5” [Xem hình: Phó Chánh văn phòng phụ trách hoạt động Joe Hagin].
Ngoài ra, sáng 29/5, trên Twitter, Tổng thống Trump đã xác nhận các diễn biến ngoại giao này: “Chúng tôi đã quy tụ một nhóm tuyệt vời để đàm phán với Bắc Hàn. Các cuộc gặp liên quan tới hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra. Kim Young Chol, Phó Chủ tịch của Bắc Hàn, giờ đang tới New York. Phản ứng tích cực đối với lá thư của tôi, cám ơn”.
Còn nhớ, trước đó, Bắc Hàn đã lặp lại lời đe dọa “Sẽ rút khỏi cuộc gặp lịch sử chưa có tiền lệ với ông Trump vào tháng tới, đồng thời cảnh báo đã sẵn sàng cho cuộc đối đầu hạt nhân với Washington nếu cần”, theo Reuters. Mặt khác, trong tuyên bố được truyền thông Bắc Hàn loan tải, Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui trước đó gọi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence [xem hình] là “kẻ bù nhìn về chính trị” vì coi Bắc Hàn là “quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân” và so sánh nước này với Libya vị Lãnh đạo quốc gia Bắc Phi này, ông Muammar Gaddafi, đã từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân còn dang dở trước khi bị các dân quân được NATO hậu thuẫn giết chết.
Ngay sau đó, ngày 24/5, trước sự bàng hoàng của thế giới, Tổng thống Trump tuyên bố hủy cuộc gặp lịch sử với lãnh tụ Bắc Hàn vào ngày 12/6 ở Singapore [Xem phụ đính 1]. Tổng thống Hoa Kỳ nói quyết định hủy cuộc họp là do “thái độ giận dữ điên cuồng và công khai thù địch” trong tuyên bố gần đây của Bắc Hàn. Một quan chức cấp cao Hoa Kỳ sau đó nói thêm rằng Bắc Hàn đã cho thấy “sự thiếu tin tưởng sâu sắc“. Có một loạt các “lời hứa đã bị phá vỡ” từ phía Bình Nhưỡng, vị quan chức này nói với báo giới, gồm cả khi Tòa Bạch Ốc cử Phó chánh văn phòng tới Singapore để gặp các nhà ngoại giao Bắc Hàn trước cuộc hội nghị thượng đỉnh. Hoa Kỳ nói: “Phía Bắc Hàn không xuất hiện. Họ đơn giản là đã thất hứa với chúng tôi.”
Hôm 25/5, phóng viên Will Ripley của CNN có mặt tại Bình Nhưỡng đã mô tả rằng “có một cơn sốc thực sự” trong các quan chức Bắc Hàn sau khi nghe bức thư hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Kim Jong Un của ông Trump. Giới chức Bình Nhưỡng đơn giản là không thể tin được TT Trump dám quay lưng khỏi cuộc họp, khi bàng hoàng nhận ra người họ phải đối phó không phải là Obama mà là Trump. Bước đi táo bạo và bất ngờ của TT Trump đã đạt được hiệu quả to lớn trong các cuộc đàm phán tiềm năng trong tương lai với Bắc Hàn.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết Tổng thống Trump đã “chủ biên từng từ” trong lá thư gửi ông Kim Jong Un sau khi nói chuyện với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Trong một bức thư gửi cho ông Kim Tổng thống Trump nói: “Đáng buồn thay, thái độ giận dữ điên cuồng và thù địch công khai trong tuyên bố gần đây nhất của các ông, tôi cảm thấy nó là không phù hợp, tại thời điểm này, để diễn ra cuộc họp đã lên kế hoạch từ lâu… Ông nói về năng lực hạt nhân của ông, nhưng năng lực hạt nhân của chúng tôi cũng rất to lớn, rất mạnh, cho nên tôi cầu Chúa là chúng ta sẽ không bao giờ phải dùng đến chúng,” ông viết thêm. Nhưng, Tổng thống Trump gọi cuộc họp là một “cơ hội bị bỏ lỡ” và nói rằng “một ngày nào đó, tôi rất mong được gặp ông”.
Mặt khác, trong một tuyên bố sau đó tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump nói rằng bước đi này là “một trở ngại lớn đối với Bắc Hàn và thế giới” và nói thêm “Quân đội Mỹ sẵn sàng nếu cần thiết đáp trả bất kỳ hành động ‘liều lĩnh’ nào của Bắc Hàn”. Trong bức thư, nhà lãnh đạo Mỹ viết rằng “Ngài nói về khả năng hạt nhân của nước ngài, nhưng [năng lực] của chúng tôi cũng thực sự lớn và mạnh tới mức tôi cầu Thượng đế rằng chúng sẽ không bao giờ được sử dụng”.
Do vậy, ngay hôm sau, ngày 25 tháng 5 năm 2018, tin tức dồn dập đưa lên các cơ quan truyền thông cho biết “Bắc Hàn nói sẵn sàng đối thoại ‘bất cứ lúc nào dưới bất kỳ hình thức nào’ với Hoa Kỳ”, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột hủy bỏ cuộc họp với ông Kim Jong Un. Các bản tin cho biết “Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn Kim Kye-gwan nói quyết định của ông Trump là ‘vô cùng đáng tiếc’”.
Lập tức, tin được đài VOA cho biết: “Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/5 tuyên bố hài lòng với phản ứng của Triều Tiên khi Bình Nhưỡng cho biết vẫn mở ngỏ cho cuộc đàm phán sau khi TT Trump đột ngột hủy bỏ một cuộc họp với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un dự trù diễn ra vào ngày 12 tháng 6 ở Singapore”. Tổng thống Trump nói ông đã “rất mong chờ” để gặp ông Kim. Từ đó, tin tức dồn dập được loan đi như phần đầu bài viết này.
Thái độ dứt khoát của Tổng thống Trump và sự trở mặt quá mau của CS Bắc Hàn khiến dư luận nhìn về VN không thể không thấy thái độ ngập ngừng của Đảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN khi bất ngờ chúng để cho Các nhà ngoại giao EU và Mỹ gặp gỡ các nhà hoạt động dân sự tại Sài Gòn ngày 15-5-2018.
Tin được đài RFA phổ biến ngày 16-5-2018 cho biết: “Các nhà ngoại giao từ một số nước thuộc Liên minh châu Âu EU và Hoa Kỳ đã có cuộc gặp với các nhà hoạt động dân sự tại Sài Gòn hôm 15/5 để thảo luận về tình hình nhân quyền tại Việt Nam thời gian qua”. [Xem hình: Đại diện phái đoàn ngoại giao các nước EU và Hoa Kỳ chụp hình cùng đại diện các nhà hoạt động dân sự tại Sài Gòn ngày 15/5/2018]
Theo facebook của nhà hoạt động Phạm Bá Hải, Điều phối viên Hội Cự tù nhân Lương tâm, hai bên đã thảo luận các vấn đề về:
- Luật an ninh mạng;
- Luật tín ngưỡng tôn giáo;
- Luật đất đai liên quan đến những vụ tranh chấp đất gây nhiều bàn cãi gần đây là Thủ Thiêm và Đồng Tâm;
- Tình hình gia tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Cuộc trao đổi dành nhiều thời gian về hiệp định tự do mậu dịch Việt Nam và EU (FTA).
Theo Facebook Phạm Bá Hải, trong cuộc gặp lần này, phía phái đoàn ngoại giao châu Âu có:
- Đại diện đại sứ quán Tây Ban Nha;
- Tham tán chính trị EU tại hà Nội;
- Đại sứ quán Ý;
- Đại sứ quán Pháp;
- Hà Lan;
- Anh;
- Thụy Điển; và
- Đức;
- Phía Hoa Kỳ cử đại diện là ông Justin Brown và bà Pontius Pamela, thuộc Tổng lãnh sự quán Sài Gòn.
Hôm sau, ngày 16/5/2018, tại chùa Giác Hoa, lại có cuộc gặp của:
- Phái đoàn ngoại giao châu Âu; với
- Hội đồng liên tôn vào [Xem hình trang sau].
Một chi tiết nhỏ nhưng đáng chú ý là trong cuộc gặp với Hội đồng liên tôn vào ngày 16/5/2018 tại chùa Giác Hoa, người đại diện của cơ quan ngoại giao Đức cho biết “kể từ nay quý vị sẽ an toàn hơn”, và “nếu có vấn đề gì thì cho biết ngay”.
Nhìn chung, hiếm có lúc nào diễn ra hai cuộc gặp liên tiếp của giới bất đồng chính kiến và tôn giáo [không quốc doanh] ở Việt Nam với giới ngoại giao quốc tế một cách đủ mặt như vậy.
Dư luận có ngay thắc mắc: “Vì sao công an CSVN lại ‘buông’ hai cuộc gặp về nhân quyền VN với quốc tế?” Phải chăng lần này họ tiếp tay cho kẻ độc tài thực thi chiến thuật “một bước lùi hai bước tiến” cố hữu của chúng, một thứ mưu mẹo dối trá bất chấp liêm sỉ… vì chiến dịch đàn áp các nhà bất đồng chánh kiến vẫn tiến hành và chúng vẫn tiếp tục giam giữ các người tù lương tâm trong các nhà tù khắp nước…
Tuy nhiên, điều đặc biệt được dư luận lưu ý là hai cuộc gặp của ngoại giao đoàn châu Âu vào hai ngày 15 và 16 tháng Năm diễn ra ngay trước cuộc Đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ tại Washington vào hai ngày 16 và 17 tháng 5.
Rất có thể đây là phép thử để đánh giá rõ hơn về cuộc đối đầu của Đảng và Nhà nước CSVN với các nhà đấu tranh dân chủ không ngừng nghỉ, bất chấp mọi đàn áp và tù tội lâu nay, cho dầu vẫn còn nhiều người nghĩ đến những trò lừa của CSVN sau 43 năm cai trị cả nước bằng độc đảng độc tài, bởi họ thấy những cuộc gặp của ngoại giao đoàn châu Âu với các tổ chức nhân quyền và tôn giáo ở Sài Gòn chỉ là một hứa hẹn của nhà cầm quyền CS Việt Nam về ‘tự do tôn giáo’ lẫn cam kết về ‘tôn trọng nhân quyền’ trước người Mỹ và Liên minh châu Âu.
Cũng nên nhớ là cho tới gần cuối năm 2017, là năm mà chiến dịch bắt bớ nhân quyền đã lên đến cao điểm với gần ba chục người bị tống giam, vẫn không có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy nhà cầm quyền và công an nhượng bộ những yêu sách về cải thiện nhân quyền, theo đòi hỏi của cộng đồng quốc tế, mặc dầu vào tháng cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, chúng đã lặng lẽ trả hộ chiếu và cho xuất cảnh một ít trường hợp đặc biệt, như cho Nguyễn Phương Uyên xuất ngoại du học, cho Việt Khang đi Mỹ… tuy trong các nhà tù chúng vẫn còn đang giam giữ hàng trăm tù nhân lương tâm…
Thêm một lần nữa phép thử được thể hiện trong cuộc đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 22 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vừa diễn ra hôm 17/5 tại Washington DC [xem hình trang sau]. Dịp này, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục nêu quan ngại về tình trạng nhân quyền Việt Nam và nêu một số trường hợp đặc biệt, yêu cầu phía Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức.
Theo đó, Hoa Kỳ yêu cầu CS Việt Nam trả tự do cho Mẹ Nấm và các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ. Nhân dịp này, Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn với ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ thuộc văn phòng phụ trách vấn đề dân chủ, nhân quyền, và lao động, về đối thoại lần này. Xin trích nguyên văn cuộc phỏng vấn:
Scott Busby: Đây là đối thoại nhân quyền thứ 22 mà chúng tôi có với Việt Nam, một trong những đối thoại dài nhất so với bất cứ nước nào khác trên thế giới. Trong đối thoại, chúng tôi tái khẳng định cam kết của chúng tôi là thắt chặt hơn mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Nói vậy, nhưng chúng tôi vẫn có nhiều quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Chúng tôi đã nói với họ như đã nói trước kia rằng nếu không có sự tiến bộ và hợp tác trong vấn đề nhân quyền, bao gồm tự do tôn giáo và quyền của người lao động, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam không thể đạt được triển vọng toàn bộ. Chúng tôi có nêu ra một số trường hợp cụ thể. Chúng tôi có chia sẻ với họ danh sách các cá nhân này. Có hai trường hợp đặc biệt mà chúng tôi nhấn mạnh là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay còn được biết là blogger Mẹ Nấm, người đã nhận giải Phụ Nữ Quả Cảm từ Bộ Ngoại giao năm ngoái. Chúng tôi cũng nêu trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài và những người cùng cộng tác trong Hội Anh Em Dân Chủ. Họ vừa bị nhận những án tù nặng nề. Chúng tôi nói với đại diện Việt Nam là những bản án này không công bằng và đòi hỏi Việt Nam phải trả tự do cho họ và Mẹ Nấm. Trên thực tế, chúng tôi đòi hỏi họ phải trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm mà chúng tôi chia sẻ danh sách với họ.
RFA: Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm nhưng phía Việt Nam đã không thực hiện. Những tù nhân lương tâm được trả tự do, trong một số trường hợp là được yêu cầu phải sang Mỹ. Vậy ông có thể cho biết đây có phải là những gì đang xảy ra đối với danh sách các cá nhân phía Mỹ đưa ra không? Phía Việt Nam có hứa hẹn gì?
Scott Busby: Tôi không thể đi vào chi tiết cụ thể những gì mà chúng tôi bàn với phía Việt Nam nhưng tôi có thể nói là chúng tôi đã đàm phán với họ và yêu cầu họ phải trả tự do cho những tù nhân lương tâm. Không có một lời hứa nào (của Việt Nam) được đưa ra trong đối thoại.
RFA: Trước đối thoại, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Ủy Hội tự do tôn giáo quốc tế trước đó cũng có báo cáo về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về tình hình nhân quyền Việt nam trong năm qua so với năm trước đó và khi phía Mỹ đưa ra đánh giá như vậy thì phía Việt Nam nhìn nhận thế nào?
Scott Busby: Chúng tôi cho rằng đã có sự gia tăng bắt bớ và đàn áp đối với những người thực hiện các quyền cơ bản. Chúng tôi đã nêu ra quan ngại về vấn đề này. Chúng tôi cũng nêu quan ngại về những bản án nặng nề mà những người này phải chịu. Phía Việt nam giải thích rằng những người này đã vi phạm luật pháp và đó là lý do họ bị bắt và bỏ tù.
RFA: Các tổ chức nhân quyền quốc tế vừa qua đã có những chỉ trích chính phủ Mỹ hiện nay đã không cứng rắn trong vấn đề nhân quyền với Việt Nam và đó là lý do khiến Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền. Ông có nhận xét gì về điều này.
Scott Busby: Chúng tôi thường xuyên nêu quan ngại của chúng tôi về vấn đề nhân quyền với phía Việt Nam bất cứ khi nào có cơ hội. Tôi gần đây có gặp Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam là ông Daniel Kristenbrink và ông ấy thừa nhận là vấn đề nhân quyền nằm trong phần lớn các đối thoại giữa ông ấy với phía Việt Nam. Tôi cũng lưu ý là trong thảo luận của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva (UN Human Right Council), chúng tôi đã nêu quan ngại về tình trạng đàn áp đối với những người Việt Nam thực hiện các quyền căn bản của họ.
RFA: Hoa Kỳ có những mặc cả nào cụ thể để gây sức ép lên Việt Nam?
Scott Busby: Việt Nam muốn có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ. Họ có lo ngại về bạn láng giềng phương Bắc như bạn đã biết. Việt Nam muốn có quan hệ tốt hơn với Mỹ. Chúng tôi nói với họ rằng là nếu họ muốn có quan hệ tốt hơn với Mỹ thì họ cần phải cải thiện tình trạng nhân quyền.
RFA: Mới đây, Phó Đại diện Thương Mại Mỹ Jeffrey Gerrish có gặp Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ và nêu quan ngại về luật an ninh mạng mà Việt Nam đang đề xuất. Ông đánh giá luật này nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng thế nào tới quan hệ hai nước?
Scott Busby: Chúng tôi rất lo ngại về luật này. Chúng tôi có cùng mối quan ngại như Phó Đại diện Thương Mại Mỹ Jeffrey Gerrish đã nói đến khi ông ấy ở Việt Nam. Chúng tôi nghĩ là luật này được viết để hạn chế hơn nữa quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do tụ tập, và cũng cản trở sự phát triển và sáng tạo của nền kinh tế số trong nước. Trong suốt đối thoại, chúng tôi cũng thúc giục Việt Nam hoãn lại việc thông qua luật này để có thêm thời gian cho quá trình tư vấn để xem xét những quan ngại của những bên sẽ bị ảnh hưởng bởi luật này.
RFA: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
Ngoài ra, trước đó, tin được đăng trên BBC ngày 24-5-2018 cũng cho biết tám thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ đã ký tên trong lá thư gửi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trả tự do cho các nhà hoạt động đấu tranh dân chủ. Các dân biểu Hoa Kỳ viết họ “muốn bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về tình trạng đàn áp các người đấu tranh nhân quyền và nhà báo ở Việt Nam“. Lá thư dẫn chứng các bản án “nặng nề” đối với các thành viên của Hội Anh Em Dân chủ (HAEDC) cùng với các nhà hoạt động khác, vốn được tuyên án vào tháng trước. Chỉ trong hai tuần đầu tháng Tư, 10 nhà hoạt động đã bị kết án trên 100 năm tù giam và quản chế… Tám dân biểu cùng tham gia ký lá thư là Dân biểu Alan Lowentha, Zoe Lofgren, Christopher H. Smith, J. Luis Correa, Ro Khanna, Scott H Peters, James P. McGovern, Gerald E. Connolly. Lá thư nhấn mạnh “Việt Nam là nước ký kết trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và những bản án gần đây mâu thuẫn với cam kết của Việt Nam với tiêu chuẩn nhân quyền của quốc tế”. Dân biểu Lowethal cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn chưa phản hồi lại lá thư.
Còn một vấn nạn quan trọng hơn nữa là CSVN đang quá cần EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu) khi tòa án ở Đức lại đang tiến hành vụ CSVN sang tận Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Một bài viết của Người Buôn Gió được đăng trên mạng: [http://nguoibuongio1972.blogspot.com/], thì:
“Tờ nhật báo Taz.de đưa tin nhà nước cộng hoà liên bang Đức đã ra lệnh truy nã quốc tế đối với trung tướng công an Việt Nam, ông Đường Minh Hưng. Ông Hưng từng giữ chức cục trưởng cục a67 của bộ công an Việt Nam. Đây là một đơn vị chuyên trấn áp những người bất đồng chính kiến và những người đấu tranh dân chủ. Khi bị truy nã ông Hưng đang ở cấp cao hơn là phó tổng cục an ninh, hàm trung tướng. Ông Hưng còn là thành viên quan trọng trong uỷ ban chống khủng bố của Việt Nam, trên cương vị này ông phải làm việc, tiếp xúc nhiều với các cơ quan cảnh sát các nước cũng như quốc tế, ông phải phối hợp với cảnh sát các nước và quốc tế ví dụ như bắt một đối tượng truy nã quốc tế nào đó. Nhà nước CHLB Đức truy nã ông Hưng vì tội tổ chức bắt cóc người trên nước Đức, một hành động được liệt vào những hoạt động của bọn khủng bố…” [Xem phụ đính 2].
Khác hẳn với bầu không khí le lói hy vọng của chính quyền Việt Nam vào cuối năm 2017, giờ đây EVFTA lại còn bị tòa án Đức tiến hành vụ án CSVN cho người sang Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà chúng cứ tưởng chẳng ai làm gì được chúng như trước đây chúng đã từng làm.
Thật vậy, phiên tòa xử nghi can Nguyễn Hải Long liên quan đến vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” đang diễn ở Berlin rất bất lợi cho chính thể Việt Nam và EVFTA, khi người Đức ngày càng kiên quyết tìm ra thủ phạm bắt cóc để áp dụng những biện pháp chế tài mạnh mẽ đối với Việt Nam. Đồng thời, nhiều nước Tây Âu và cả Đông Âu cũng nhìn vào Đức để cứu xét mối quan hệ ngoại giao và kinh tế với Việt Nam.
Nhìn về phiên tòa, tin được đài VOA Tiếng Việt phổ biến ngày 24/04/2018 cho biết: “Đức hôm 24/4 đưa người đàn ông Czech gốc Việt Nam ra xét xử về tội hoạt động gián điệp, với cáo buộc là có can dự vào vụ bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ của Đức… Ông Lê Trung Khoa, chủ bút tờ Thoibao.de, người tham dự phiên tòa, cho VOA biết về bản cáo trạng được trình bày trong phiên khai mạc kéo dài gần hai giờ hôm 24/4: Cáo trạng tổng thể nhưng rất là chi tiết. Họ nói đây là vụ bắt cóc người trên lãnh thổ Đức, vi phạm nghiêm trọng pháp luật và Hiến pháp Đức. Cáo trạng nói mật vụ Việt Nam, cụ thể là Tổng cục An ninh của Việt Nam đã tổ chức bắt cóc công dân trên lãnh thổ Đức. Tổng cộng sẽ có 21 phiên xử được lên lịch cho đến này 29/8.”
Ông Long bị bắt giữ tại Cộng hòa Czech vào tháng 8 năm ngoái và sau đó bị dẫn độ sang Đức. Viện công tố Đức cáo buộc ông Long đã làm việc cho cơ quan tình báo nước ngoài và hỗ trợ vụ bắt cóc. Reuters tường thuật rằng mỗi tội danh bị cáo buộc có thể khiến ông Long đối diện án tù 10 năm… Ông Long được cộng đồng người Việt xác nhận là Nguyễn Hải Long… Bản cáo trạng có nêu chi tiết những nội dung mà theo phía Đức, mô tả ông Long cùng các nhân viên mật vụ khác của Việt Nam, trong đó Trung Tướng Công An Đường Minh Hưng, đã trực tiếp bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
“Ông Nguyễn Hải Long bị cáo buộc đã thuê xe và trợ giúp công việc hậu cần cho mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Họ có đầy đủ bằng chứng hết. Họ chiết xuất rất rõ từ camera của khách sạn và camera ghi trên đường phố. Họ ghi lại toàn bộ cuộc gọi từ ông Nguyễn Hải Long gọi trực tiếp cho ông Đường Minh Hưng, trung tướng công an Việt Nam.”
Bà Petra Isabel Schlagenhauf, Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, xác nhận với VOA rằng viện công tố Đức thông báo là ngoài ông Long, còn có các nghi phạm khác tham gia trực tiếp vào vụ bắt cóc, trong số đó có ông Đường Minh Hưng.
Hãng tin AFP hôm 24/4 dẫn một nguồn tin nói rằng bà Thi Minh P. D., ‘người tình bí mật’ của ông Trịnh Xuân Thanh, vào tháng 7 năm ngoái bay từ Paris sang gặp ông Thanh ở một khách sạn tại Berlin và khi hai người đi dạo ở công viên Tiergarten thì bị bắt cóc.
Báo Đức Sueddeutsche nhận định rằng hình như hơn nửa số nhân viên của tòa đại sứ Việt Nam tại Berlin có dính líu tới vụ bắt cóc ông Thanh, kể cả nhân viên ngoại giao chính thức, và vợ của một tùy viên quốc phòng của sứ quán đã hỗ trợ việc đăng ký mua vé máy bay cho các mật vụ bay về nước. Vụ bắt cóc “đã được thực hiện bởi các nhân viên mật vụ Việt Nam, các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, và một số công dân Việt Nam sống tại Âu châu, trong đó có người bị cáo buộc,” cơ quan công tố Đức nói. Do luật Đức không cho phép xét xử vắng mặt bị cáo, cho nên các nghi phạm khác không bị đưa tòa lần này. Cho đến nay, mới chỉ có duy nhất ông Long bị tạm giam tại Đức liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Những người khác đã nhanh chóng rời khỏi Đức trước khi bị phát hiện, hoặc đã bị Đức trục xuất.
Cho tới nay, vụ xử còn đang tiếp diễn, chưa biết nó sẽ kết thúc như thế nào; nhưng điều chắc chắn là bao nhiêu diễn biến đó cũng đủ cho thấy trò lừa mà CSVN đã liên tục lừa dân tộc và thế giới sau 43 năm coi như quá rõ. Nó sẽ được kết thúc cùng lúc kết thúc đại họa độc đãng độc tài trên đất nước Việt Nam.
Hẹn con thư sau,
Giáo Già
(Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)
Phụ đính 1
TOÀN VĂN BẢN DỊCH BỨC THƯ CỦA TỔNG THỐNG D.TRUMP
Dưới đây là bản chuyển ngữ theo VOA:
Thưa Ngài Chủ tịch,
Chúng tôi đánh giá cao thời gian, sự kiên nhẫn và nỗ lực của ngài về các cuộc thương thảo gần đây của chúng ta liên quan tới một hội nghị thượng đỉnh mà đôi bên mong mỏi, dự kiến sẽ diễn ra ngày 12/6 ở Singapore. Chúng tôi nhận được thông tin rằng cuộc gặp do phía Bắc Hàn đề nghị, nhưng điều đó, theo chúng tôi, là hoàn toàn không thỏa đáng. Tôi rất mong chờ tới đó với ngài. Thật đáng buồn, vì sự giận dữ khủng khiếp và thù nghịch công khai thể hiện trong tuyên bố gần đây nhất của ngài, tôi cảm thấy rằng lúc này không phù hợp để tổ chức cuộc gặp đã mất nhiều thời gian hoạch định này. Do đó, vì lợi ích của hai quốc gia nhưng lại gây tổn hại cho thế giới, lá thư này cho biết rằng hội nghị thượng đỉnh Singapore sẽ không diễn ra. Ngài nói về khả năng hạt nhân của nước ngài, nhưng [năng lực] của chúng tôi cũng thực sự lớn và mạnh tới mức tôi cầu Thượng đế rằng chúng sẽ không bao giờ được sử dụng.
Tôi đã cảm thấy rằng một sự đối thoại tuyệt vời đã hình thành giữa tôi và ngài, và rốt cuộc, chỉ có đối thoại mới quan trọng. Một ngày nào đó, tôi mong gặp ngài. Giờ tôi muốn cảm ơn ngài vì đã thả các con tin nay đã về với gia đình của họ. Đó là một cử chỉ đẹp và được trân trọng.
Nếu ngài đổi ý về cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng nhất này, xin đừng chần chừ gọi điện thoại hoặc viết thư cho tôi. Thế giới, và đặc biệt là Bắc Hàn, đã mất đi một cơ hội lớn dẫn tới hòa bình và thịnh vượng lâu dài. Cơ hội bị bỏ lỡ này là một thời khắc hết sức đáng buồn trong lịch sử.
Trân trọng,
Donald J. Trump
Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
Phụ đính 2
Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018
Đức truy nã quốc tế tướng Đường Minh Hưng!
Tờ nhật báo Taz.de đưa tin nhà nước cộng hoà liên bang Đức đã ra lệnh truy nã quốc tế đối với trung tướng công an Việt Nam, ông Đường Minh Hưng.
Ông Hưng từng giữ chức cục trưởng cục a67 của bộ công an Việt Nam. Đây là một đơn vị chuyên trấn áp những người bất đồng chính kiến và những người đấu tranh dân chủ. Khi bị truy nã ông Hưng đang ở cấp cao hơn là phó tổng cục an ninh, hàm trung tướng.
Ông Hưng còn là thành viên quan trọng trong uỷ ban chống khủng bố của Việt Nam, trên cương vị này ông phải làm việc, tiếp xúc nhiều với các cơ quan cảnh sát các nước cũng như quốc tế, ông phải phối hợp với cảnh sát các nước và quốc tế ví dụ như bắt một đối tượng truy nã quốc tế nào đó.
Nhà nước CHLB Đức truy nã ông Hưng vì tội tổ chức bắt cóc người trên nước Đức, một hành động được liệt vào những hoạt động của bọn khủng bố.
Cho dù các dư luận viên hay những người cuồng đảng cộng sản hoặc căm ghét tham nhũng có nêu ra lý do vì nước Đức chứa chấp Trịnh Xuân Thanh, mới dẫn đến việc bắt cóc để biện minh cho hành động bắt cóc thì cũng không thể nào đảo ngược lại vấn đề. Nước Đức xử vụ bắt cóc, xử vụ ăn trộm là xử về hành vi chứ không phải là mục đích.
Nếu nói về mục đích để biện minh như những kẻ ngu dốt và cuồng đảng kia, tức lấy mục đích để bao biện hành động phạm pháp. Người Đức có thể cũng suy diễn hành động bắt cóc ấy, không chỉ mục đích đưa TXT về xử tội ở Việt Nam để lấy niềm tin như đảng CSVN nói, mà hành động bắt cóc ấy là âm mưu quốc tế do khối cộng sản vạch ra, đứng đầu là Nga , Trung đã điều khiển Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc, nhằm đánh vào uy tín khối liên minh Châu Âu, qua nước cầm đầu là CHLB Đức. Bằng chứng là máy bay Nga, Trung đã chở Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Minh Phương về lại Việt Nam.
Thế nên, việc lấy mục đích biện minh chỉ là trò giải toả tâm lý, nó không có giá trị gì về pháp lý.
Việc truy nã này sẽ là một vấn đề rất mới và phức tạp đối với nhà nước cộng sản Việt Nam.
Ông Đường Minh Hưng là một sĩ quan công an, việc bắt cóc TXT là nhiệm vụ ông được đảng và chính phủ Việt Nam giao, ông không thể tự ý hoạt động được. Vì vậy việc truy nã ông của người Đức là theo cách người Đức nghĩ, tức cứ ai làm ra tội thì người ấy chịu. Còn nếu đúng ra thì người Đức phải truy nã cả cấp trên ông Đường Minh Hưng tức chủ tịch nước, thủ tướng, bộ trưởng công an và cả ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhiều người nghĩ ông Trọng là TBT thì không có trách nhiệm, nghĩ vậy là sai. Nước Đức quan hệ ngoại giao với Việt Nam là họ công nhận thể chế CSVN, trong thể chế ấy hiến pháp ghi đảng CSVN là giai cấp duy nhất lãnh đạo đất nước. Vì thế chiếu theo hiến pháp Việt Nam thì người Đức có thể truy nã cả ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nếu phía Đức nhìn theo quan điểm, ai làm người đó chịu thì may mắn cho nhà nước Việt Nam, vì cấp cao hơn như tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng không bị liên đới trách nhiệm. Tức chỉ mình ông Hưng thôi chứ không phải cả tổ chức nhà nước CSVN là một băng nhóm phạm tội khủng bố, cần truy nã quốc tế.
Việt Nam có cả trăm tướng lĩnh công an, là một người lính phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ trên giao, giờ bộ chính trị Việt Nam có giao cho tướng Đường Minh Hưng trách nhiệm cao cả là chịu hình phạt như về vườn, mất chức, kỷ luật chắc ông Hưng cũng phải làm. Vì lý tưởng cao cả hy sinh cho danh dự của chế độ mà ông đã thề phục vụ trung thành suốt đời.
Nhưng ở đây có một việc rất khó cho Bộ Chính Trị CSVN, nếu đưa ông Hưng ra bàn giao cho Đức theo hiệp ước dẫn độ tội phạm khủng bố quốc tế, thì khác nào CSVN nhận mình là một tổ chức khủng bố. Việt Nam không thể chấp nhận yêu cầu truy nã của Đức, cũng như sống chết họ cũng không thể nào công nhận việc bắt cóc. Lối thoát duy nhất của họ là giữ rịt TXT và lu loa TXT tự thú trở về.
Trong trường hợp đấy thì Đức chỉ còn cách đưa lệnh truy nã 12 tướng tá của bộ công an Việt Nam vào danh sách truy nã quốc tế. Như vậy Việt Nam là một nhà nước đang chứa chấp và bao che cho 12 đối tượng đã thực hiện hành động khủng bố ở một quốc gia có quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Thậm chí còn lợi dụng những đặc quyền về ngoại giao để thực hiện hành vi khủng bố, như dùng visa ngoại giao , dùng sứ quán làm nơi giam giữ người bị bắt cóc và phục vụ hậu cần cho nhóm bắt cóc.
Quan hệ ngoại giao Việt Đức sẽ thế nào khi mỗi lần tiếp xúc, người Đức lại nhớ đến Việt Nam đã lợi dụng quan hệ ngoại giao để đưa hàng chục kẻ khủng bố vào đất nước họ thực hiện hành vi phạm tội, sau đó bao che và thậm chí còn khen thưởng cho những kẻ khủng bố ấy như đã lập chiến công. Những kẻ phạm tội ấy sống nhơn nhơn và hàng ngày vẫn ở vị trí là công chức, cán bộ trong biên chế nhà nước Việt Nam, rồi thăng chức, hàm đều đều.?
Cách êm nhất không phải Việt Nam nhận tội và giao lại cho Đức kẻ bị bắt cóc lẫn kẻ bắt cóc. Cũng không phải là Đức nhịn, bỏ qua không nói gì, coi như công nhân Việt Nam làm thế là đúng.
Cách tốt nhất là Việt Nam giữ nguyên quan điểm không bắt cóc, không trả người. Phía Đức tiếp tục xét xử và đi đến quyết định cắt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Hai nước cắt quan hệ ngoại giao, đó là cách tốt nhất cho cả hai bên trong trường hợp này. Vì một bên không thể nhận tội, một bên cũng không thể tha tội nếu bên kia không nhận.
Vậy tốt cho cả hai bên hơn là đi cùng nhau từng bước để đến chỗ cuối cùng
– Cắt quan hệ ngoại giao.
Trịnh Xuân Thanh bị Việt Nam bắt cóc đưa về xét xử trong một vụ án mà TXT bị cáo buộc tham nhũng vài trăm ngàn USD xử án tù chung thân.
Việt Nam bắt cóc TXT trở về tốn tiền hối lộ để thuê cả một chuyên cơ của Slovakia dưới mác mượn, tốn hàng chục triệu USD và một lô cán bộ ngoại giao bị trục xuất, một lô tướng lính công an bị truy nã quốc tế, và cả những công dân yêu nước như Nguyễn Hải Long phải chịu tù đày xứ người, công dân yêu nước Đào Quốc Oai đang phục vụ đất nước hiệu quả tại Séc cũng đành bỏ vợ con, cơ nghiệp trốn tránh về quê hương, không còn hy vọng trở lại Châu Âu.
Bỗng nhiên nhớ lại lời ông TBT Nguyễn Phú Trọng đại khái ném chuột không để vỡ bình, làm gì cũng nên cân nhắc thiệt hại, không để thế lực thù địch lợi dụng phá hoại, làm ảnh hưởng đại cục.
Dư luận Việt Nam đang được định hướng rằng, chả có gì nghiêm trọng, nước Đức làm căng thế chỉ để làm bộ thôi, cho vài hiệp định kinh tế là im ngay. Nếu có một nhà báo nào người Đức, được cung cấp những thông tin rằng người Việt Nam đang nghĩ thế, và làm một bài báo về suy nghĩ của người Việt Nam về nhà nước Đức chỉ là loại làm trò trong vụ TXT, để gây sức ép kiếm vài hợp đồng kinh tế với Việt Nam.
Một bài báo như thế, sẽ chặn đứng tất cả những hợp đồng kinh tế nào tới đây mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra với chính phủ Đức. Không những thế mà còn nhiều hiệp ước khác cũng bị ngưng lại.
Này các bạn căm thù cộng sản, các bạn thuyền nhân bỏ nước ra đi, cơ hội của các bạn đấy. Đừng bị những luận điệu ma mị như làm thế chỉ có dân thiệt, cộng sản nó không thiệt gì đâu mà bỏ qua cơ hội. Nếu các bạn không chung tay, góp sức ra một bài báo như thế. Sau này lỡ Việt Nam làm ăn gì với Đức, bọn DLV nó chửi các bạn ngu, không hiểu rằng bọn tư bản chỉ cần lợi nhuận đưa ra làm ăn là nó bỏ qua hết nhân quyền này nọ.
Người Buôn Gió
Filed under: Thư Cho Con |
Trả lời