01/02/2018
Tiengdan
Tiengdan
Tin Việt Nam
Tin Biển Đông
RFA có bài: Philippines đưa máy bay ra bãi cạn Scaborough. Bài báo cho biết: Hôm qua, quân đội Philippines đã triển khai “một máy bay do Nhật Bản tặng bay qua khu vực bãi Scarborough thuộc nước này nhưng hiện đang do Trung Quốc chiếm giữ”.
Theo Tư lệnh khu vực Bắc Luzon của quân đội Philippines, “chiếc máy bay Beechcraft King Air C90 đã bay ở độ cao chỉ khoảng 240 mét xung quanh khu vực bãi cạn Scarborough… Philippines đã phát hiện 9 tàu Trung Quốc trong khu vực, bao gồm 4 tàu tuần duyên của Trung Quốc và 4 tàu cá của Philippines”.
Tư lệnh của Philippines nói, quân đội của họ “sẽ sử dụng tất cả những nguồn lực sẵn có để bảo vệ chủ quyền của nước này và quyền chủ quyền trên các vùng biển“. Còn Quân đội Nhân Dân VN có lẽ bân đi làm kinh tế, nên không thấy có hành động gì bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông trong thời gian qua, sau khi bị Trung Quốc gây áp lực hồi 7/2017, “yêu cầu một công ty con của tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol ngừng khoan thăm dò dầu khí ở lô 136-03 trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
VOA đưa tin: TQ bắt nạt doanh nghiệp in bản đồ không công nhận đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh. Theo đó, Trung Quốc “đã ra cảnh báo, thông báo và phạt tiền 8 công ty được cho là đã phổ biến các bản đồ không bao gồm các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc chủ quyền của họ, chẳng hạn như Đài Loan, các hòn đảo trên Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư”.
Bài báo cho biết thêm: “Tháng 10 năm ngoái, Cục Khảo sát, Bản đồ và Thông tin địa lý Quốc gia của Trung Quốc cũng than phiền rằng công ty Ryohin Keikaku đã in bản đồ trên catalogue mà không bao gồm đảo Điếu Ngư, hay các đảo khác mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”.
Mời đọc thêm: Tháo “nút thắt” để phát triển hệ thống cảng biển Đông Nam Bộ- Bài 1 — Tháo “nút thắt” để phát triển hệ thống cảng biển Đông Nam Bộ- Bài cuối(TTXVN/ BNews). – Âu tàu Đá Tây A – điểm tựa vững chãi cho ngư dân bám biển(TTXVN). – Vượt sóng mang Xuân đến Nhà giàn DK1 (CAND).
Nhân quyền ở Việt Nam
RFA đưa tin: Thêm ba nhà hoạt động dân chủ bị án tù. Bài viết dẫn lời LS Hà Huy Sơn bình luận về phiên xử sơ thẩm vụ án “Phong trào Chấn Hưng Nước Việt” ngày 31/1/2018, rằng: “Các chứng cứ buộc tội thì được chia làm hai nhóm, một là người ta (cơ quan an ninh điều tra) nói là thu thập được 17 clip trên mạng, trên facebook cá nhân và trên trang youtube. Cái thứ hai là mấy tài liệu thu giữ ở nhà”.
LS Sơn bàn thêm về “nghiệp vụ” của tòa án Việt Nam, trong quá trình hợp thức hóa chuyện cầm tù người đấu tranh ôn hòa: “Người ta chỉ dựa vào kết luận giám định của bộ thông tin và truyền thông thôi. Quan điểm của tôi tại phiên tòa: những chứng cứ, tài liệu này không phải là căn cứ hợp pháp theo pháp luật Việt Nam dùng để cáo buộc các bị cáo”.
VOA có bài: Luật sư: ‘ngưỡng mộ khí phách kiên cường’ của ba nhà hoạt động. Bài viết nêu ý kiến của LS Đặng Đình Mạnh bàn về chuyện “kiểm duyệt tư tưởng” ở Việt Nam: “Giám định tư pháp về tư tưởng. Đây là một khái niệm chưa từng có trên thế giới, kể cả trong thực tiễn và trong học thuật. Vì không ai đi đánh giá tư tưởng để xem một người nào đó có chống nhà nước hay không. Rất tiếc điều đó đang được luật pháp (Việt Nam) quy định và thừa nhận”.

Về Chỉ số Dân chủ năm 2017, RFA có bài: Việt Nam vẫn là quốc gia toàn trị, không có tự do ngôn luận – Báo cáo của Economist. Bản phúc trình do nhóm nghiên cứu của tạp chí The Economist công bố cuối tháng 1/2018, cho biết: “Việt Nam vẫn là quốc gia toàn trị, không có tự do ngôn luận”. Trên 167 quốc gia, “Việt Nam xếp thứ 140 với điểm số tổng quát là 3.08 trên thang điểm 10 cho các tiêu chí đánh giá, thấp hơn so với các năm trước đó”.
Cũng RFA, có bài bình luận về những người trẻ dấn thân: Đấu tranh và Khai trí. Hiện tượng chính quyền CSVN kết án một loạt nhà đấu tranh còn khá trẻ trong tháng 1/2018, như ông Trần Hoàng Phúc, ông Nguyễn Văn Oai, bài viết dẫn lời chia sẻ của cô Nguyễn Xoan, con dâu của nhà hoạt động Lê Đình Lượng, rằng: “Em thấy có nhiều người trẻ đứng lên làm như thế là em rất vui. Họ nhận thức được, họ biết được và họ dám đứng lên đòi hỏi quyền lợi của mình và của mọi người”.
Trang Đạo Tràng Út Trung thông báo, chuyện thay đổi thời gian diễn ra phiên tòa xét xử 6 tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo về tội “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ”, rằng: Phiên xử vốn được dự định tổ chức “ngày 07/02/2018 sẽ dời lại ngày 09/02/2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện An Phú, tỉnh An Giang”.

Mời đọc thêm: Việt Nam kết án tù 3 người vì đăng video đả kích chế độ (RFI). – Việt Nam ‘xử nặng’ 3 người vì ‘tuyên truyền chống nhà nước’ (BBC/ TD).
Dân oan Việt Nam
Facebooker Hanh Tran đưa tin: “Ngày 30/01/2018 chúng tôi vào trông cây phủ xanh đất, nhưng lúc 15h15p ngày 31/01/2018, Chủ tịch UBND xã Đồng Vương huy động lực lượng các ban ngành, các trưởng phó bản của xã, do ông Phó Chủ tịch Ninh Văn Kiên đưa lực lượng vào nhổ toàn bộ 6000 cây phủ xanh đất trống đồi trọc của 19 hộ dân chúng tôi. Chúng tôi rất bức xúc vì cách làm việc của cán bộ Ủy ban Nhân dân xã Đồng Vương“. Mời xem clip:
50 năm Mậu Thân
BBC bàn về Tết Mậu Thân: ‘Cái chết ám ảnh’ trước Dinh Độc Lập. Bài viết dẫn lời chia sẻ của PV BBC Julian Pettifer, là người từng “tường thuật dưới làn đạn ngay bên ngoài Dinh Độc Lập, Sài Gòn, hôm 31/1/1968”, rằng: “Xác người tài xế nằm cách chỗ chúng tôi chừng 4, 5 mét. Mỗi khi nhìn qua hướng đó, tôi lại thấy gương mặt người Mỹ đó, còn trẻ măng, tóc đỏ, cặp kính trôi xuống bên dưới mũi”.
Tướng Mỹ William Westmoreland đã nói: “Kẻ thù đã dối trá, lợi dụng tấn công vào thời điểm hưu chiến trong dịp nghỉ Tết, nhằm tạo mức phá hoại tối đa ở Nam Việt Nam”. Tuy nhiên, “trong chiến tranh, dối trá là chuyện vẫn thường xảy ra”.

Mời đọc thêm: Việt Nam kỷ niệm 50 năm chiến dịch Mậu Thân – 1968 (RFA).
Việt Nam dẫn độ tội phạm quốc tế
Báo Pháp Luật TPHCM đưa tin: Lần đầu tiên Bộ Công an dẫn độ tội phạm theo luật mới. Bài viết cho biết, Bộ Công an vừa dẫn độ thành công một tội phạm hình sự có lệnh truy nã quốc tế là Milen Ivanov Davranski, quốc tịch Bungaria, trao cho nước này.
Dẫn độ tội phạm từ VN ra nước ngoài thành công, vậy khi nào Bộ Công an phối hợp với Bộ Nội an Hoa Kỳ để dẫn độ ông Đào Minh Quân và các thành viên trong tổ chức của ông ta mà Bộ Công an đã có quyết định truy nã? Được biết, nguyên tắc dẫn độ tội phạm được ghi nhận trong một số quy ước quốc tế là, không dẫn độ tội phạm chính trị. Vấn đề là Bộ Công an có chứng minh được những người này phạm tội khủng bố hay không.
Mời đọc thêm: Bộ Công an tổ chức thi hành dẫn độ đối tượng bị truy nã quốc tế cho Cộng hòa Bun-ga-ri (BCA). – Bộ Công an lần đầu tiên dẫn độ tội phạm theo luật mới (ANTĐ).
Công an “nhân dân”
VNTB phân tích: Để hiểu hơn ‘công an trị’ thế nào, hãy nhìn vào cách họ ‘bêu người’. Theo bài viết, “nhiều người thường lên án Mẹ Nấm là phản động, trong đó có cả hành vi thu thập các chứng cứ công an làm chết người tại đồn. Nhưng nếu một ngày họ rơi vào trường hợp bị lực lượng công an ngang nhiên, bất chấp luật pháp để tước đoạt tự do và nhục mạ nhân phẩm – danh dự, thì họ sẽ nhận ra: công an trị là gì”.
Về chuyện “ông Mưa Quý Sường… phải ngồi tù 11 năm dù không có xét xử, và mang thân phận bị can ròng rã 36 năm rồi phải ôm nỗi oan giết vợ xuống mồ” và vụ công an Kiên Giang bêu danh người mua dâm, tác giả nhận định: “Cả hai tin đều cho thấy tính chất lạm quyền một cách bất chấp các giá trị đạo đức, và pháp luật; trình tự bắt bớ – đấu tố đầy mông muội, nguyên thủy. Đó là chưa kể, phía công an dường như đã làm thay cả công việc của công tố và tòa án”.
Trang Đại Đoàn Kết viết: Không chỉ là phản cảm. Trong bài có đoạn bình luận: “Chỉ đơn cử việc công khai hành vi mua bán dâm trước mặt trẻ nhỏ là việc làm hết sức phản khoa học, thiếu trách nhiệm, nếu như không muốn nói là vô trách nhiệm của những người thực thi công vụ”.
Mời đọc thêm: Mua bán dâm bị bêu danh tính: Xâm phạm nghiêm trọng quyền con người (DV). – Bộ Công an yêu cầu báo cáo vụ bêu tên người mua – bán dâm ở Phú Quốc (MTG). – Công an Kiên Giang sẽ họp báo vụ nêu tên người bán dâm trên phố(ĐT). – Vụ bêu riếu người mua, bán dâm giữa phố: Có thể khởi kiện (NLĐ).
CSGT Hà Nam mãi lộ?
Tối qua, Zing có bài: CSGT giẫm lên vật nghi tiền: Không đủ căn cứ xác định nhận mãi lộ. Bài viết cho biết, công an tỉnh Hà Nam đã vào cuộc, kiểm tra, xác định người trong clip đúng là “cán bộ thuộc Phòng CSGT đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên quốc lộ 21“.
Công an tỉnh Hà Nam cho rằng, “do hình ảnh trong clip không phản ánh đầy đủ các thông tin nên không đủ căn cứ xác định cán bộ CSGT trong clip nhận mãi lộ“. Dù không xác định được viên CSGT trong clip có mãi lộ hay không, thế nhưng công an tỉnh Hà Nam vẫn kỷ luật, điều chuyển công tác cán bộ CSGT dẫm lên vật nghi là tiền, trang Người Đưa Tin cho biết.
Mời xem lại clip của Người Đốt Lò do Zing đăng tải:
Trả lời