VNTB – Từ 01-01-2018: 17 tội danh không còn thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra?

Trần ThànhVNTB

27.9.17

VNThoibao

Trần Thành (VNTB) Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (Luật số: 99/2015/QH13) có hiệu lực từ 01-01-2018, quy định về thẩm quyền điều tra, có 17 tội không còn thuộc thẩm quyền của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.

17 tội nào sẽ do Cơ quan An ninh điều tra thụ lý?

Theo Pháp lệnh số 23/2004/PL-UBTVQH11 về tổ chức điều tra hình sự, thì tính đến 31-12-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau (tóm tắt): Tiến hành điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định từ Chương XII đến Chương XXII của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đóthuộc thẩm quyền xét xử của toà án nhân dân cấp tỉnh (trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân).

Hoặc các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện, nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra, áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người đã thực hiện hành vi phạm tội, lập hồ sơ, đề nghị truy tố; tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục, ngăn ngừa.

Theo quy định tại Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự, thì Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh tiến hành điều tra các vụ án hình sự về tội phạm quy định tại Chương XI, Chương XXIV và các tội phạm quy định tại các điều: 180, 221, 222, 223, 230, 231, 232, 236, 264, 274, 275 của Bộ luật Hình sự 1999 khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Như vậy đối với những vụ án thuộc 11 tội phạm nói trên khi có khung hình phạt từ 15 năm tù trở lên sẽ thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh. Còn khi những vụ án đó có khung hình phạt dưới 15 năm tù sẽ do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện tiến hành điều tra.

Từ đầu tháng 1-2018, Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự được thay thế bằng Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự. Theo Điều 17 của luật này thì Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia), Chương XXVI (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) và các tội phạm quy định tại các điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật Hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.

Ngoài ra Cơ quan An ninh điều tra còn tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để đảm bảo khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an.

Như vậy, đối với 17 tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, khi tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân (không kể Tòa án nhân dân cấp tỉnh, hay Tòa án nhân dân cấp huyện) đều thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh. Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ không còn thẩm quyền tiến hành điều tra vụ án đối với 17 tội phạm đó nữa. Trong trường hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, hoặc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm đối với 17 tội phạm kể trên thì phải chuyển ngay cho Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh để tiến hành giải quyết theo thẩm quyền.

Điều tra viên độc lập: vẫn còn bỏ ngõ

Theo pháp luật hiện hành thì Cơ quan điều tra là cơ quan tố tụng và Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và Cán bộ điều tra là người tiến hành tố tụng (Điều 34 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Đối với chủ thể tố tụng là Cơ quan điều tra, điều đáng lưu ý là quyền năng tố tụng của cơ quan này đã được phân chia cho Thủ trưởng, Phó thủ trưởng và Điều tra viên. Trong trường hợp này, hầu như quyền năng tố tụng của Cơ quan điều tra đã không còn, và do vậy, việc xác định Cơ quan điều tra là cơ quan tiến hành tố tụng đã trở nên hình thức. Bởi lẽ mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự xác định cơ quan này là cơ quan tố tụng, song thực chất quyền và nghĩa vụ tố tụng dường như đã phân chia hết cho Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng và Điều tra viên. Về mặt tố tụng, Cơ quan điều tra chỉ còn là danh nghĩa và Thủ trưởng Cơ quan điều tra chính là người đứng đầu tập thể Điều tra viên.

Như vậy, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự vẫn chưa xác định vai trò độc lập của Điều tra viên trong điều tra như Thầm phán trong xét xử và Kiểm sát viên trong hoạt động kiểm sát, để có thể giaoquyền và nghĩa vụ tố tụng cho Điều tra viên khi người này được giao điều tra vụ án tương đương quyền, và nghĩa vụ tố tụng của Thủ trưởng CQĐT khi trực tiếp tiến hành điều tra quy định tại Điều 36 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Theo đó, Điều tra viên khi được phân công điều tra vụ án cần được trao quyền quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định không khỏi tố vụ án; quyết định tách hoặc nhập vụ án; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định truy nã bị can, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, xử lý vật chứng; quyết định trưng cầu giám định, quyết định khai quật tử thi; kết luận điều tra vụ án; quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định phục hồi điều tra; trực tiếp tiến hành các biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật…

Điều tra viên chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình. Thủ trưởng Cơ quan điều tra tuy có quyền phân công và thay đổi Điều tra viên, nhưng không có quyền can thiệp vào hoạt động tố tụng của Điều tra viên.

Thẩm quyền trên đây của Điều tra viên cũng được áp dụng cho cấp phó khi người này được Thủ trưởng CQĐT phân công điều tra vụ án. Dĩ nhiên, khi ký các văn bản tố tụng, cấp phó cũng lấy danh nghĩa Điều tra viên. Còn Thủ trưởng Cơ quan điều tra, ngoài quyền và nghĩa vụ tố tụng riêng có của mình (điều hành cơ quan, phân công và thay đổi Điều tra viên) mỗi khi trực tiếp điều tra vụ án, còn sử dụng thẩm quyền tố tụng mà luật quy định cho Điều tra viên.

Trường hợp nhiều Điều tra viên cùng tham gia điều tra vụ án thì Thủ trưởng CQĐT chỉ định một Điều tra viên phụ trách. Điều tra viên này sẽ điều hành việc điều tra và ký các văn bản tố tụng.

Nói thêm, theo quy định tại Điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, và Điều 165 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, thì khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra, khi xét thấy cần thiết, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự… Những thẩm quyền này thực chất là thẩm quyền điều tra, và điều này lý giải vì sao có người cho rằng điều tra và công tố thực chất là một.

Xem ra hệ thống tố tụng hình sự của Việt Nam mặc dù liên tục có nhiều thay đổi, song do chịu sự lệ thuộc của thể chế độc đảng, nên tính độc lập của hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam tiếp tục xoay trở trong chiếc lồng chật chội ở nền kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa”!

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: