‘Bãi công là hồi chuông cảnh tỉnh’

2 giờ trước
BBC

Các công nhân đã ‘biểu tình ôn hòa’ bên trong và bên ngoài nhà máy, theo lời kể của các nhân chứng
Cuộc đình công với sự tham gia của hàng nghìn công nhân ở TP.HCM là ‘hồi chuông cảnh tỉnh’ đối với các nhà làm luật, theo một luật sư trong nước.
Hôm 31/3, hàng nghìn công nhân tại nhà máy sản xuất giày của công ty Pou Yuen Vietnam, có 100% vốn nước ngoài của Đài Loan, đã tiếp tục đình công sang ngày thứ năm để phản đối các quy định tại điều 60, Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi, hãng thông tấn Reuters cho biết.

Theo luật này, công nhân sẽ phải đợi đến tuổi nghỉ hưu, tức nam giới là khi 60 tuổi và phụ nữ là 55 tuổi, mới được nhận trợ cấp.
Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết các công nhân đã ‘biểu tình ôn hòa’ bên trong và bên ngoài nhà máy – nằm trong khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo, quận Bình Tân.
Trước đó, trong cuộc họp báo khẩn chiều 30/3, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Doãn Mậu Diệp, được tờ VnExpress trích dẫn nói mục đích việc thay đổi Luật Bảo hiểm xã hội là nhằm khuyến khích người lao động tích lũy, bảo vệ quyền lợi cho người lao động trước mắt và lâu dài.
Các công nhân đã chặn nhiều con đường lân cận hôm 30/3, VnExpress cho biết.
Nhiều nhà máy trong gần đó cũng đã đóng cửa vì lý do an toàn.
Trả lời BBC ngày 31/3, Luật sư Hoàng Văn Hướng, trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng, cho rằng cuộc đình công là “hồi chuông cảnh tỉnh”, nhắc nhở các nhà làm luật cần đạt được “sự đồng thuận, sâu sắc, thấu đáo” khi điều chỉnh luật.
“Trước đây thì họ thanh toán luôn, ngay sau khi chấm dứt hợp đồng, nhưng giờ sửa lại là phải đợi sau một thời gian nữa”, ông cho biết.
“Mục đích nhà làm luật là muốn cộng dồn lại thời gian đóng bảo hiểm để mục đích cuối cùng là đảm bảo an sinh xã hội, tức là vấn đề hưu trí.”
“Họ cho rằng nếu như đã thanh toán một lần ở doanh nghiệp này, thì sau này đến tuổi nghỉ hưu lại không có lương hưu thì đó là thiệt hại cho người lao động.”
“Tôi nghĩ rằng nên chăng giữa các nhà quản lý về lao động, kể cả Liên đoàn Lao động ở TP.HCM cầncó đối thoại để giải thích cặn kẽ”.
“Nếu đối thoại tận cùng vấn đề mà thấy cần sửa luật thì cũng nên chỉnh sửa luật chứ cũng không cần phải cứng nhắc”.
“Các cuộc đình công làm gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm luật là khi ban hành chính sách thì phải đảm bảo tính đồng thuận, sâu sắc, thấu đáo”.

‘Phải tôn trọng người dân hơn’

Một ý kiến khác của Luật sư Hà Huy Sơn thì cho rằng cuộc đình công là một “biểu hiện tốt”.
“Người lao động đã có ý thức về quyền lợi của mình nên chuyện đình công đó rất tốt cho xã hội”, ông nói.
Một số nhà máy lân cận đã đóng cửa vì lý do an toàn
“Phía nhà nước cần thay đổi tư duy, nhất là đối với luật bảo hiểm xã hội để người ta có quyền lựa chọn chứ không thể áp đặt như vậy”.
So sánh cuộc đình công hiện nay tại TP.HCM với cuộc biểu tình phản đối chặt cây xanh tại Hà Nội, ông Sơn cho rằng cả hai cuộc biểu tình có những tính chất khác nhau.
“Việc phản đối chặt cây xanh là cuộc xuống đường biểu thị mối quan tâm đối với vấn đề xã hội”
“Trong khi vấn đề bảo hiểm xã hội là vấn đề mang tính thiết thực hơn”.
“Nhưng cả hai có điểm giống là đều là tiếng nói của người dân”.
“Trong tương lai, nhà nước cần có cơ chế quản lý tính tới nhu cầu của người dân và phải tôn trọng người dân hơn trước đây, nếu không muốn xảy ra các xung đột xã hội như vụ đình công lần này”.
Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam tăng 15,8%, đạt 20,8 tỷ đôla trong năm ngoái, theo số liệu của Reuters. Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu đối với sản phẩm giày dép là 21,6%, đạt 10,2 tỷ đôla.

2 bình luận

  1. Trong những ngày qua, công nhân lao động tại Cty TNHH Pouyuen Việt Nam (Quận Bình Tân, TP. HCM) đã ngừng việc tập thể để thể hiện quan điểm không đồng tình với điều 60 Luật BHXH năm 2014 về trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần. Trước sự việc này, tối 31.3, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng đã có lời kêu gọi toàn thể đoàn viên và công nhân lao động. Báo Lao động điện tử trân trọng đăng toàn văn Lời kêu gọi này.

    Cần cho phép NLĐ đóng BHXH 1 lần
    Gần 90.000 công nhân PouYuen đình công vì “không được hưởng BHXH 1 lần”
    Gần 90.000 công nhân đình công vì “không được hưởng BHXH một lần”
    Về Vụ ngừng việc vì “không được hưởng BHXH một lần”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính: Người lao động cần bình tĩnh, an tâm trở lại làm việc
    Anh chị em đoàn viên và công nhân lao động thân mến!
    Trong những ngày vừa qua, một số công nhân lao động tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (Q. Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) đã ngừng việc tập thể để thể hiện quan điểm không đồng tình với Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.
    Việc anh chị em công nhân lao động bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề có liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ với những băn khoăn, bức xúc của anh chị em và đang tập hợp đầy đủ các ý kiến của người lao động để kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
    Trên cơ sở những nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có báo cáo và kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người lao động: Từ nay đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015, các chế độ bảo hiểm xã hội vẫn giữ nguyên theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Sau năm 2015, kiến nghị Quốc hội sửa việc chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo hướng để người lao động tự chọn hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần như cũ hoặc thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
    Vì vậy, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên và công nhân lao động:
    – Hãy yên tâm trở lại làm việc để đảm bảo thu nhập và thể hiện ý thức trách nhiệm của người lao động đối với doanh nghiệp và xã hội.
    – Không để cho kẻ xấu lợi dụng, kích động, xúi giục làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
    – Các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp, tổ chức thông tin, tuyên truyền rộng rãi cho đoàn viên công đoàn và công nhân lao động về mục đích, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm xã hội; động viên anh chị em đoàn viên và công nhân lao động tích cực thi đua lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
    Tôi tin tưởng với truyền thống tốt đẹp và phẩm chất tiên phong của giai cấp công nhân, anh chị em công nhân lao động đoàn kết một lòng lao động góp phần xây dựng nước Việt Nam ổn định và phát triển.
    Thân ái!
    Đặng Ngọc Tùng
    Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

  2. • Có người nói, Quỹ BẢO HIỂM XÃ HỘI có nguy cơ bị vỡ . Vậy nên cần xem lại việc quản lý thực hiện chế độ nghĩ hưu do mất sức, có làm đúng pháp luật không? Nói thật theo tôi biết thì với đường dây làm nghĩ hưu mất sức chỉ tốn khoảng từ 15-20 triệu đồng. Như vậy là sao? Nghĩ việc lĩnh một lần chỉ đối với những người làm việc dưới 20 năm thì BHXH đâu có lỗ, trường hợp Doanh nghiệp không đóng thì làm sao chi, muốn chi phải có chế tài bằng hình thức đóng băng tài khoản, trừ tiền trong tài khoản của Doanh nghiệp.Việc quản lý yếu kém mới bị vỡ nợ, đó là tất yếu.
    Quỹ Bảo hiểm xã hội trước hết là một quỹ tích lủy tài chính: phần thu cho một người qua các năm cộng khả năng sinh lời khi tái đầu tư trừ đi các chi phí hoạt động của quỹ có đủ chi cho tiền hưu trí của người đó không? Nói vỡ Quỹ do ngưồn thu (của người LĐ hiện tại đóng góp) để trả cho người LĐ đã nghỉ hưu là không đúng với bản chất của một Quỹ tích lủy. Ngoài ra quỹ Bảo hiểm xã hội còn có chức năng bảo trợ thông qua sự hổ trợ của Ngân sách nhà nước khi mặt bằng giá cả có biến động thất thường mà thôi. Quỹ Bảo hiểm xã hội nếu bị vớ là do Bảo hiểm xã hội không cân đối các tỷ lệ thu chi hoặc các phần chi phí quản lý đã vượt mức cho phép.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: