2011-05-23
RFA
“Lâm tặc” vốn được xem là một trong những đối tượng gây ra tình trạng chảy “máu” tài nguyên rừng.
![]() |
Vận chuyển gỗ bằng xe tải ở Dak Lak. Tính đến thời
điểm 2003, mỗi năm khu vực này mất khoảng 15.000
ha rừng do nạn phá rừng.
|
Mặc dù các tổ chức quốc tế cũng như nhiều dự án chính sách của nhà nước Việt Nam không ngừng rót tiền vào công tác quản lý cũng như tuyên truyền bảo vệ rừng, nhưng tình trạng “lâm tặc” không hề có dấu hiệu suy giảm. Như vậy, “lâm tặc” thực chất là ai? Tại sao nhiều người dân lại muốn biến mình thành “lâm tặc” như thế?
Khánh An có loạt bài tìm hiểu đầu tiên trong loạt bài về tình trạng chảy máu” tài nguyên rừng.
Tiêu chuẩn để thành “lâm tặc”
Không biết từ lúc nào cụm từ “lâm tặc” đã trở nên thân quen với người dân Việt Nam đến nỗi người ta không còn cảm thấy cái ý nghĩa xấu xí ghê gớm của nó như khi nhắc đến các loại trộm cướp khác như “hải tặc”, “đạo tặc”… Có lẽ bởi vì bản thân kẻ “trộm” cũng như phương cách “ăn trộm” và động cơ dẫn đến hành động “ăn trộm” ấy cũng có nhiều uẩn khúc mà kể cả kẻ trong cuộc lẫn những kẻ ngoài cuộc đều có phần hiểu và thông cảm.
Qua một người bạn trẻ, tôi được làm quen với một trong những người được gọi là “lâm tặc” kia:
“Người này tầm trạc tuổi của em có một thời cũng đi phá rừng, đi buôn gỗ lậu, cũng đánh kiểm lâm rồi bị trọng án nhưng mà gia đình “chạy” được nên được tha bổng, trở về cũng bị quản chế mất mấy tháng. Hiện giờ thì bạn ấy cũng ít khi đi rồi.”
Theo lời giới thiệu trên thì anh bạn mà chúng tôi tạm gọi là Lâm đã vào nghề cách đây 4, 5 năm, ngay từ thời còn đang ngồi trên ghế nhà trường ở cấp trung học. Nhà nghèo, kinh tế khó khăn là lý do duy nhất dắt Lâm vào nghề “lâm tặc”.
Để trở thành một “lâm tặc” không phải dễ, điều kiện đầu tiên là sức khoẻ phải cực tốt, tuổi không nên quá 40. Anh Nguyễn Văn Ngân, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Kẻ Gỗ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, qua kinh nghiệm tiếp xúc với “lâm tặc”, cho biết giới khai thác gỗ thường ở vào độ tuổi thanh niên trai tráng, tối đa là trong khoảng 40:
“Thanh niên 40 tuổi, loại khỏe mới gùi vác được chứ già không làm được đâu.”
Sức khỏe là điều kiện tiên quyết đối với người làm nghề “lâm tặc” vì chỉ tính riêng đoạn đường rừng để đến được điểm có thể khai thác gỗ cũng mất chừng vài chục cây số, xe thường không vào được. Theo Lâm thì:
“Khoảng 20, 30 cây số. Người ta đi như ngày xưa thì còn nhiều gỗ gần, hắn còn dễ dàng. Sau này ngày càng khan hiếm thì phải trèo lên những đồi cao, vách, nói chung là nguy hiểm nhiều cái, không biết tả như thế nào cho rõ nữa.”
Tiêu chuẩn tiếp theo đòi buộc tất cả các “lâm tặc” đều phải biết đó là cách nhận biết, phân biệt các loại gỗ. Ngày mới vào nghề, Lâm cũng được các đàn anh chỉ dẫn các cách phân biệt trước khi thực sự bước vào nghề: “Nhìn lá, ngửi mùi hoặc nhìn vào vân của nó, nhìn vào màu sắc gỗ, phải có người chỉ cho chị.”
Theo Lâm thì thời gian “học nghề” khá nhanh: “Nhanh thôi, chỉ trong vòng vài ba ngày. Mình đi mình tiếp xúc với nhiều loại, mình biết được nhiều thứ. Nói chung là hắn dễ phân biệt mà.”
Một tiêu chuẩn mà bất cứ ai bước vào nghề “lâm tặc” cũng phải ngấm ngầm tự hiểu, đó là tính liều. “Lâm tặc” phải là những kẻ dám đặt tính mạng mình lên bàn cân cùng với số gỗ khai thác.
Anh Huỳnh Hiếu, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, cho biết trong các vụ đụng độ giữa “lâm tặc” và kiểm lâm, “lâm tặc” thường tỏ ra rất liều mạng:
“Thường là chỉ có lực lượng nhà nước bị họ chống trả lại rồi bị chết là phổ biến, chứ còn họ thì hiếm. Nhiều khi họ sẵn sàng lao xe vào lực lượng người ta chặn kiểm tra.”
Không như những loại “tặc” khác, ngoài dao gậy hay các công cụ làm việc ra, “lâm tặc” không mang theo vũ khí gì: “Không đâu, họ chỉ có được cái vũ khí tinh thần là liều thôi!”
Nhọc nhằn nghề đổi rừng lấy cơm
![]() |
Người dân ở phía Bắc tỉnh Sơn La phá rừng đem gỗ về. VN đối mặt với nạn phá rừng nghiêm trọng và diện tích rừng giảm mạnh. AFP photo |
“Lâm tặc” thường đi khai thác gỗ theo hội. Hội nhỏ có từ 3 – 5 người, hội lớn hơn có từ 6 – 12 người, tùy theo quy mô khai thác và đơn đặt hàng. Lâm cho biết về hội của anh:
“6 – 12 người, cưa xong rồi xẻ, rồi vận chuyển về. Đây là làm ăn chia đồng đều cho nên vất vả là vất vả cả.”
Do tình trạng phá rừng phổ biến nên không còn nhiều gỗ như trước đây, “lâm tặc” thường phải đi sâu vào bên trong rừng, vượt qua những vách đá cheo leo để tìm lên những vùng đồi còn gỗ. Sau khi dùng cưa máy để chặt gỗ, “lâm tặc” phải vận dụng rất nhiều cách để vận chuyển gỗ về đến địa điểm mà xe có thể vào được:
“Trâu kéo rồi đòn bắn, nói chung là đủ các thứ để cho khúc gỗ đó lên được. Từ trên đồi xuống nếu mà đường dễ đi thì trâu kéo hoặc cao quá thì lao, lao (gỗ đã khai thác) từ vách núi xuống. Đến địa điểm hết tầm phải lao rồi thì mình dùng trâu mình kéo, hoặc đến địa điểm xe vào bốc được thì mình bốc lên xe thôi.”
Ngoài cách dùng trâu để kéo, lao gỗ, ngăn đập nước sông để đưa gỗ về nơi tập kết, “lâm tặc” còn sử dụng loại xe thồ hai bánh thô sơ để chở từng khúc gỗ ra bên ngoài. Anh Ngân nói:
“Nguy hiểm là đường khó đi mà họ vác gỗ trên vai đi bằng xe đạp thồ, đường rừng không mở được tuyến nên đi len trong rừng. Họ dùng toàn xe đạp thồ như hồi Điện Biên Phủ đấy. Xe hai bánh họ đẩy vào rừng, đường rừng khó đi.”
Không hiếm “lâm tặc” gặp nạn khi vận chuyển gỗ, nhất là lúc lao gỗ từ vách núi xuống hoặc lúc xả đập, nếu không may hoặc chạy không nhanh hơn tốc độ dòng nước xả ra, “lâm tặc” có thể bị gỗ đập vào người. Hỏi về tình trạng này, Lâm cho biết: “Nhiều chứ, gỗ chận vô người, chận tay, chận chân, nhiều người bị mất tay mất chân là do gỗ đấy chứ.”
Một chuyến đi khai thác gỗ thường mất nhiều tuần lễ, tùy theo khu vực khai thác:
“Một tháng hoặc hai tháng, tùy theo lượng gỗ mình tìm ra và tùy theo địa điểm đó có dễ làm hay không. Nói chung, đi làm thì không phải do một người làm ra được mà do sức lực nhiều người, ngày hôm nay đi có thấy (gỗ) hay không chứ không phải vô tìm là thấy được. Chừ gỗ khan hiếm lắm chứ không phải như ngày xưa.”
Nhọc nhằn thế, nguy hiểm thế nhưng số người tham gia vào nghề làm “lâm tặc” không hề giảm, thậm chí có khuynh hướng tăng lên. Một phần nguyên nhân là do số lợi nhuận không thể so sánh được do nghề “lâm tặc” mang lại cho những người làm công việc tay chân, không có kỹ năng như họ. Một chuyến đi 1-2 tháng với 0 tiền vốn có thể kiếm được vài chục đến vài trăm triệu đồng là món lợi nhuận không nhỏ. Lâm cho biết thêm:
“Một xe tính ra khoảng 30 – 40 triệu, hoặc 50 – 60 triệu đồng, tùy theo lượng gỗ, xe to hay nhỏ, có khi lên 100 – 200 triệu đồng.”
Anh Ngân cũng thừa nhận, hấp lực kinh tế là nguyên nhân đầu tiên khiến nhiều người dân bước vào nghề “lâm tặc”:
“Họ đi làm là do kinh tế gia đình, do thu nhập nên họ đi làm thế thôi. Một ngày kiếm được vài triệu bạc. Gỗ mà ngon mà lọt được thì một ngày một người cũng được vài triệu bạc. Lợi nhuận cao (nên) liều chết kiếm tiền!”
Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất khiến nạn “lâm tặc” ngày càng phổ biến và hoành hành trên những mảnh rừng vốn đã bị xà xẻo không thương tiếc, mà còn rất nhiều những nguyên nhân khác về cơ chế, quản lý cũng như những sự tồn tại của những tệ nạn còn nguy hiểm hơn cả nạn “lâm tặc” đã góp phần làm cho rừng Việt Nam tiếp tục chảy “máu”. Khánh An mời quý vị tiếp tục đón nghe trong bài tường trình tiếp theo.
2011-05-23
Nguyên nhân vì sao nhiều người dân vẫn lao vào làm nghề khai thác gỗ trái phép dù luôn phải đối mặt rất nhiều hiểm nguy đối với tính mạng và cả nguy cơ bị tù tội? Có phải lợi nhuận là nguyên nhân duy nhất?
![]() |
Gỗ rừng bị lâm tặc cắt hạ ngổn ngang trong Vườn
Quốc gia Yok Đôn
|
Ngoài mức lợi nhuận béo bở mà rừng mang lại cho những người được gọi là “lâm tặc”, lực lượng kiểm lâm đóng một vai trò rất lớn trong việc tiếp tay cho nạn khai thác rừng bất hợp pháp tồn tại và hoành hành tại Việt Nam.
Muốn đi buôn gỗ, phải biết “giao dịch”
Đã là luật bất thành văn, bất cứ ai làm nghề buôn gỗ trái phép đều phải chung chi cho nhân viên kiểm lâm. Nếu không chi, theo lời của “lâm tặc” mà chúng tôi tạm gọi tên là Lâm, thì không thể làm ăn được:
“Không thể. Nếu mà không bắt tay với kiểm lâm thì hạt kiểm lâm đó sẽ không cho vận chuyển số gỗ đó đi và họ sẽ gây nhiều khó khăn, có khi họ bắt cả xe.”
Vì chuyện chung chi cho kiểm lâm đã thành “luật” nên bắt buộc các tay buôn gỗ phải tính toán khoản tiền chung chi như là một khoản chi phí giống như các khoản chi phí khác và gọi nó dưới cái tên là “tiền giao dịch”.
“Buôn là người tiêu thụ gỗ. Người ta quyết định mua về thì người ta ăn chia, ví dụ chuyến này người ta đi ít thì đưa cho kiểm lâm ít, mà đi nhiều thì đưa cho kiểm lâm nhiều. Nếu người ta cảm thấy vừa túi tiền mà người ta hạch toán từ khi mua của người dân và đưa (tiền đút lót) cho kiểm lâm là hết bao nhiêu, có xứng đáng với khúc gỗ đó hay không.”
Một khi đã chi trả khoản tiền giao dịch trước đó thì các chuyến hàng chở gỗ lậu sẽ được kiểm lâm nhắm mắt bỏ qua. Tuy nhiên, giao dịch trước không có nghĩa là bảo đảm 100% các chuyến hàng sẽ trót lọt. Nếu chẳng may gặp đợt “quan lớn” xuống, kiểm lâm vẫn buộc phải “làm thịt” thân chủ của mình như thường. Lâm cho biết:
“Người ta “giao dịch” trước, ví dụ người ta (kiểm lâm) đã lấy tiền rồi thì nếu có lệnh báo của dân hoặc của ai đó đến cấp chính quyền cao hơn người kiểm lâm đó, ví dụ như trưởng hay phó (hạt kiểm lâm) hay ai đó (cấp trên) người ta có lệnh thì phải bắt.”
Giá “giao dịch” với kiểm lâm rất vô chừng, dao động tùy theo khối lượng gỗ vận chuyển và tùy từng trường hợp cụ thể, bị bắt hay không. Lâm nói:
“Nói chung, hắn mà bình an thì không phải là có giá hay không có giá mà do nói chung là có nhiều trường hợp lắm, có khi kiểm lâm bắt thì vô giá, có khi không bắt thì nó lại có giá chẳng hạn.”
Nếu hợp tác tốt, kiểm lâm có khi lại là trợ thủ đắc lực cho “lâm tặc” trong việc làm ăn, bằng chứng là đã có vụ kiểm lâm nhắn tin báo cho “lâm tặc” trước khi diễn ra một đợt kiểm tra ở Vườn quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đăk Lăk và vụ này đã bị báo giới phanh phui.
“Lâm tặc” tấn công kiểm lâm, vì đâu nên nỗi?
![]() |
Một cô gái dân tộc mang về nhà một gùi gỗ dọc theo đường phía Bắc tỉnh Sơn La. AFP photo |
Mối quan hệ giữa kiểm lâm là “lâm tặc” vừa là thù vừa là bạn, hai bên dựa vào nhau để tồn tại, nhưng một khi quyền lợi không được phân phát đồng đều, một bên sẵn sàng “thanh toán” bên kia để bảo vệ lợi ích của mình.
Chuyện kiểm lâm bị “lâm tặc” tấn công xảy ra như cơm bữa, có thể kể đến một số vụ tiêu biểu như vụ “lâm tặc” chặt đứt lìa tay của một cán bộ kiểm lâm của vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước vào cuối năm 2009; đánh trọng thương 4 kiểm lâm ở tỉnh Quảng Nam vào tháng Giêng năm 2011; lóc da đầu cán bộ bảo vệ rừng ở tỉnh tỉnh Quảng Bình vào tháng 3, dùng dao tấn công các cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 15/5 vừa qua. Anh Nguyễn Văn Ngân, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Kẻ Gỗ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, kể lại sự việc xảy ra:
“Sự việc là nó (lâm tặc) vào rừng chặt gỗ. Họ lén lút một tốp 4, 5 người vào rừng dùng cưa khai thác gỗ rồi buôn bán động vật rừng. Kiểm lâm tuần tra phát hiện, họ chống cự lại người thi hành công vụ, bắt họ về rồi họ chống cự lại. Họ dùng dao rựa, gậy gộc thôi.”
Vấn đề “lâm tặc” ngày càng lộng hành, tấn công kiểm lâm, theo lời của những người bị gọi là “lâm tặc” thì một phần nguyên nhân là do phía kiểm lâm “làm quá”. Chẳng hạn sau khi đã chung chi rồi, thỉnh thoảng kiểm lâm lại bắt xe và đòi chi thêm, hoặc vì “chơi” nhau, kiểm lâm cố tình ra tay khiến cho “lâm tặc” không còn đất sống. “Lâm tặc” tên Lâm cũng xác nhận chuyện tấn công kiểm lâm và nói:
“Nhiều nơi như vậy, ví dụ người ta đã xác định đi làm khoảng 1 xe hoặc 2, 3 xe thì người ta xác định là một sống, một còn. Nếu mất thì mất tất cả mà còn thì còn tất cả. Biết làm răng được chị?”
Với một chuyến xe chở gỗ lậu có giá trị từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, để cho kiểm lâm “phỗng tay trên” là điều không thể chấp nhận được đối với công sức của cả nhóm “lâm tặc”. Lâm kể:
“Cách đây khoảng 1 năm, bằng chừ năm ngoái thì trên đoạn em làm, người ta dựa vào mưa lũ, người ta cưa gỗ rồi (thả) theo dòng nước trôi về. Kiểm lâm chỉ đứng dưới lấy thôi mà.”
Hoặc như trên các tuyến đường xuyên qua khu vực rừng núi, gỗ đã bị đốn được “lâm tặc” công khai chất thành đống dọc tuyến đường để xe vào “bốc” đi, kiểm lâm thường đón ở ngoài bìa rừng để chặn bắt số gỗ trên. Cũng chính vì hay bị kiểm lâm “phỗng tay trên” số gỗ được xem là “thành quả lao động” nhiều ngày của cả nhóm nên “lâm tặc” thường tìm cách để “xin” lại số gỗ trên qua thương lượng, bằng tiền bạc. Một khi việc thương lượng không thành, “lâm tặc” ra tay tấn công để giành lại hàng.
Theo lời một số người khai thác gỗ trái phép, số gỗ bị bắt thường được kiểm lâm bán lại cho người tiêu thụ, nhiều khi cho chính những tay buôn gỗ là chủ nhân số gỗ bị bắt. “Người ta gọi đó là thanh lý để bỏ vào quỹ.”
Tuy nhiên, số tiền thanh lý ấy có thực sự được bỏ vào công quỹ hay không lại là điều không mấy ai dám khẳng định.
Như vậy, đâu là nguyên nhân mà những cán bộ được nhà nước giao trách nhiệm bảo vệ rừng lại trở thành kẻ tiếp tay làm chảy máu tài nguyên rừng? “Lâm tặc” có phải là tình trạng đáng lo ngại nhất trong việc gây thất thoát rừng hay không? Khánh An mời quý vị tiếp tục theo dõi bài tường trình cuối.
2011-05-23
RFA
Nghề “lâm tặc” và mối quan hệ làm ăn sống còn giữa những người bị gọi là “lâm tặc” với các cán bộ kiểm lâm đã góp phần làm cho tình trạng khai thác gỗ trái phép tràn lan đến mức báo động.
![]() |
Người dân tộc ở phía Bắc tỉnh Sơn La sử dụng bò để kéo
gỗ lấy trộm trong rừng. Việt Nam đang phải đối mặt với
nạn phá rừng nghiêm trọng làm diện tích rừng giảm mạnh.
|
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những nguy cơ đe dọa khác nguy hiểm hơn cả nạn “lâm tặc” ở nơi rừng sâu. Mời quý vị theo dõi tiếp bài cuối trong loạt bài “Rừng vẫn chảy máu” của Khánh An.
Theo thống kê từ năm 2010 cho đến nay, chỉ riêng số vụ khai thác gỗ trái phép bị phát hiện đã lên đến gần 2000 vụ ở 26 vườn quốc gia trên toàn quốc. Những điểm nóng như vườn quốc gia Yok Đôn của tỉnh Đăk Nông và Đăk Lăk, từ đầu năm đến nay đã có hơn 200 vụ khai thác, vận chuyển gỗ quý bị phát hiện; tại rừng đặc dụng Đăk Uy của tỉnh Kon Tum, hàng ngàn cây gỗ quý bây giờ chỉ còn khoảng 400 cây và đang phải đối diện với nguy cơ bị xóa xổ.
Nguy cơ cạn kiệt tài nguyên rừng không chỉ xảy ra với rừng Đăk Uy mà với tất cả các khu rừng trải dài từ Bắc tới Nam, mặc dù Việt Nam được nhận không ít hỗ trợ từ các chính phủ và tổ chức quốc tế trong các dự án giúp quản lý và bảo vệ rừng.
Đã có rừng là phải có lâm tặc
Từ thống kê của một số tỉnh có thể thấy số người đi hành nghề “lâm tặc” không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng lên cả về số lượng lẫn mức độ liều lĩnh trong khai thác, thậm chí nhiều cây gỗ quý bị đốn chỉ cách trạm bảo vệ rừng vài trăm mét.
Nói như ông Vũ Văn Trọng, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tuy Đức, Đắk Nông, thì: “Tình trạng này ít nhiều cũng phải có chứ vì đã có rừng là phải có lâm tặc rồi.”
Hầu hết những người bị gọi là “lâm tặc” khi được hỏi tại sao phải chọn một nghề nguy hiểm như việc khai thác gỗ lậu thì đều có chung một câu trả lời “vì miếng cơm manh áo”. Có những ngôi làng bên bìa rừng, hầu như cả làng đều làm nghề “lâm tặc” như làng Hoài Ân ở tỉnh Bình Định, làng Long Sơn hay Thanh Hóa ở tỉnh Quảng Nam.
Theo anh Huỳnh Hiếu, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, thì chính những khó khăn về kinh tế đã đẩy nhiều người dân vào rừng hơn.
“Bây giờ trình độ họ không có, lao động phổ thông thì không ai thuê mướn thì buộc lòng phải vô rừng để kiếm chác tài nguyên mà sống, mưu sinh thôi.”
Có một điều lạ là hầu như bất cứ ai tìm hiểu về nạn khai thác gỗ trái phép đều dễ dàng nhận ra vai trò tiếp tay của lực lượng kiểm lâm, thế nhưng quyết tâm để giải quyết cũng như giải pháp nào để giải quyết thì vẫn là những câu hỏi để ngỏ đối với những người có thẩm quyền. Việc nới lỏng tay trong quyết tâm bảo vệ rừng khiến người ta có cảm giác không chỉ vì cái dạ dày của nhiều người dân đi làm “lâm tặc”, mà còn vì kế sinh nhai của không ít cán bộ của ngành kiểm lâm.
Anh Nguyễn Văn Ngân, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Kẻ Gỗ, tỉnh Bình Định, cho biết cán bộ kiểm lâm cũng có những khó khăn riêng không chỉ trong công việc mà còn cả về các điều kiện sinh hoạt, tài chính:
“Kiểm lâm bây giờ lực lượng mỏng, rừng thì xa, trong tuyến rừng này thì giáp ranh nhiều huyện, tuyến đường xa không sát trong rừng, không có chợ búa, đi lại không đường, điện không có, lán trại không đủ để làm nhà sinh hoạt, rồi những trạm ở trong rừng ….
Điều kiện sinh hoạt ở trong rừng thì rau không, thịt không, gạo phải gùi vào. Đi lại thì ô tô không vào được, toàn đi bộ thôi, có những ngày đi bộ 2 ngày mới đến đơn vị. Trên vùng giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh này vất vả lắm. Rừng thì côn trùng nhiều, sên, muỗi, vắt nhiều lắm. Nếu bị lâm tặc tấn công phải đưa anh em bị tấn công ra ngoài này là phải cõng, khiêng ra ngoài đường mà ô tô đi được, thường xuyên phải đi bộ chứ ô tô không vào được. Mùa hè thì còn được chứ mùa mưa là còn mắc sông, suối nữa. Trong trạm thường xuyên có 6 – 7 người, một tháng ra ngoài nhận lương cho anh em một lần rồi gửi mua gạo, thực phẩm vào.”
Anh Ngân cho biết ngoài tiền lương theo quy định, kiểm lâm không được hưởng chính sách hỗ trợ nào:
“Chính sách đâu có gì hỗ trợ đâu, chính sách chỉ có trong quy định nhà nước quy định lương bổng theo chức năng ngành thôi chứ có hỗ trợ gì thêm nữa đâu. Vất vả lắm! Nhiều khi sốt rét vì muỗi, sên nhiều lắm. Anh em được giao trách nhiệm thì phải làm thôi.”
Mới đây, sau khi vụ việc kiểm lâm bảo kê cho “lâm tặc” ở Vườn quốc gia Yok Đôn bị phanh phui, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phát biểu trước báo giới, gọi những kiểm lâm làm công việc tiếp tay cho “lâm tặc” là “những kẻ phản bội” ở trong rừng và ông cho rằng cần phải chấn chỉnh triệt để bộ máy vườn, phải xử lý kỷ luật những kẻ đã vô hiệu hóa nỗ lực bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, một khi những nguyên nhân cốt lõi chưa được giải quyết thì liệu những giải pháp trên có là khả thi? Nhiều địa phương cũng đã áp dụng việc thuyên chuyển cán bộ kiểm lâm nhưng tốc độ tràn lan của nạn khai thác gỗ lậu cho đến nay vẫn không có dấu hiệu giảm sút.
Và những tập thể “lâm tặc bất đắc dĩ”
Ông Vũ Văn Trọng, Hạt kiểm lâm Tuy Đức, Đăk Nông, cũng cho rằng nguyên nhân không kiểm soát được tình trạng phá rừng là do lực lượng kiểm lâm quá thiếu.
![]() |
Rừng bị chặt phá rồi đốt để làm rẫy. Photo courtesy of vtc.vn |
“Theo quy định 119, mỗi một kiểm lâm phụ trách 1.000 ha rừng thì đã là yếu rồi nhưng bây giờ như huyện này 60.000 ha rừng mà có khoảng 20 kiểm lâm thì không biết phải xử lý làm sao.”
Tuy nhiên, ông Trọng cho rằng nạn “lâm tặc” vẫn chưa nguy hiểm bằng tình trạng người dân chặt phá rừng để lấy đất canh tác, trồng trọt.
“Số này không thiệt hại bằng số đối tượng vào chặt phá rừng vì lâm tặc có vô ăn trộm thì cũng 1, 2 cây gỗ thôi thì rừng còn, chứ bây giờ vào mà chặt hết rừng, chặt hết đi cây lớn cây bé để làm rẫy thì coi như mất rừng luôn.”
Chỉ mới tháng trước, tại khu vực huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông của ông đã xảy ra vụ việc hơn 150 người dân kéo vào rừng dùng cưa máy hạ tất cả cây rừng trong suốt một ngày để đòi đất canh tác. Lực lượng kiểm lâm đã bất lực đứng nhìn hơn 28 ha rừng tự nhiên bị vặt sạch. Ông Trọng cho biết về vụ việc:
“Dân thì vừa rồi một số dân tự do người ta vô đông, không đi theo kế hoạch của nhà nước Việt Nam. Người ta có vô những khu rừng mà mình đang khoanh nuôi bảo vệ và người ta có chặt phá một ít.”
Theo ông Trọng, nguyên nhân người dân kéo vào Đăk Nông phá rừng là vì:
“Theo tôi nghĩ, đất cát ở trong này tốt hơn ở ngoài kia, đất cát phì nhiêu, đất rừng đấy, phù hợp với nhiều loại cây trồng, làm dễ hơn ở ngoài kia. Trong quá trình canh tác ở ngoài kia, một công lao động, tôi chỉ kể bắp thôi thì một công lao động được khoảng 200 gram bắp nhưng trong này người ta làm một công lao động có khi được 1 kg bắp cơ. Thế thì người ta đi kiếm chỗ đất cát tươi tốt chứ theo tôi nghĩ thì cũng chẳng có ngoài mục đích gì khác là cuộc sống của họ thôi.”
Tình trạng người dân đồng loạt kéo nhau phá rừng để đòi đất canh tác không phải chỉ mới xảy ra lần đầu ở Đăk Nông, mà đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương khác. Theo ông Trọng, diện tích rừng bị chặt phá để làm đất canh tác rất khó phục hồi, ngay cả khi có chủ trương trồng lại rừng đi chăng nữa.
“Nhưng thiệt hại nặng nhất mà làm mất rừng chủ yếu là đồng bào đi vào chặt phá rừng làm rẫy. Người ta chặt xuống rồi đốt hết. Bây giờ mình có giữ nguyên trạng rồi tái sinh lại thì cũng mất hết cả vài chục năm, vài trăm năm sau thì mới thành rừng được chứ. Rừng ở bên này nhiều tầng tán, mà bây giờ trồng thì nhiều lắm cũng chỉ được một vài loại cây, vài tầng tán thôi, đâu có được như rừng tự nhiên.”
Thống kê mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết độ che phủ của rừng Việt Nam chỉ còn chưa đầy 40% và diện tích rừng tự nhiên chủ yếu cũng chỉ thuộc loại rừng nghèo hoặc tái sinh, rừng già và rừng tán kín chỉ chiếm trên 9%. Nếu tình trạng người dân tự biến mình thành “lâm tặc bất đắc dĩ” không được cải thiện, những khu rừng tự nhiên sẽ có nguy cơ biến mất trên mảnh đất hình chữ S.
Một số người cho rằng tình trạng chảy máu tài nguyên rừng là bài toán không thể có lời giải bởi nó là hệ thống mắc xích với quá nhiều thắt nút nối vào nhau mà nếu giải quyết tận gốc, có thể cả một hệ thống sẽ khó trụ vững. Cái đói nghèo vật chất chỉ là một trong những nút thắt đầu tiên.
Theo dòng thời sự:
- “Lâm Tặc” tấn công kiểm lâm – Vì đâu nên nỗi?
- “Lâm Tặc” – Từ cần câu cơm đến nghề hái ra tiền
- Khó khăn trong bài toán thiếu đất và việc giữ rừng
- Trồng mới và bảo vệ rừng sao cho hiệu quả?
- Tình trạng phá rừng và săn bắt thú quý tại Việt Nam
- Rừng Tây Nguyên Việt Nam thưa nhanh vì canh tác, lâm tặc
Filed under: Bài Các Trang Web, RFA |
Trả lời