CSVN Tiếp Tục Khủng Bố và Vinh Danh Khủng Bố

Giáo Già 


Ngày 16 tháng 5 năm 2011
H,
Sáng ngày 2.5.2011, tất cả các đài truyền hình và truyền thanh thế giới đều có breaking news phát đi trực tiếp lời Tổng thống Obama cho biết Osama bin Laden đã bị toán Biệt kích người nhái Hoa Kỳ Navy Seals tấn công và giết chết, trước đó mấy giờ đồng hồ, tại Abbottabad, một thị trấn nằm ở phía bắc Thủ đô Islamabad của Pakistan, vào đêm 1 tháng 5 theo giờ địa phương. Ông nói:
“…Sau nhiều ngày tháng theo dõi và biết chắc ông ta đang ở đâu, hôm nay tôi ra lịnh mở cuộc tấn công Osama bin Laden. Một toán biệt kích nhỏ đã hành động một cách đẹp mắt và can đảm và đã giết được Osama bin Laden và chiếm giữ xác anh ta. Tôi xin nhắc lại rằng Hoa Kỳ không tuyên chiến với Hồi giáo. Osama bin Laden không phải là một lãnh tụ Hồi gíáo. Ông ta chỉ là một tên khủng bố. Cái chết của ông ta đánh dấu một bước thắng lợi của chúng ta trong cuộc chiến chống khủng bố…”
Theo AP, bốn trực thăng Mỹ khởi hành từ căn cứ không quân Ghazi ở phía tây bắc Pakistan. Mục tiêu của phi đội này là một ngôi nhà ba tầng cách một trường quân sự tại thị trấn Abbottabad. Theo thông tin tình báo mà quân đội Mỹ nhận được từ tháng 8 năm ngoái thì đó là ngôi nhà mà trùm khủng bố Osama bin Laden trú ẩn [xem hình lâu đài tại thị trấn Abbottabad của Pakistan, nơi Osama Bin Laden bị hạ sát].
Ngay khi Tổng thống Obama loan tin bin Laden bị giết chết nhiều người dân Mỹ tập trung bên ngoài Tòa Bạch Ốc, ở Thủ đô Washington, bày tỏ sự vui mừng. Ðồng thời đám đông cũng reo hò mừng rỡ tại Quảng trường Times Square ở New York, hôm 2-5-2011 [xem hình bên ngoài Bạch Ốc và ở Times Quare].
Hãng thông tấn Ba Lan PAP cho biết, ngoài bin Laden, còn có 3 người khác bị thiệt mạng, trong đó có một con trai của ông ta. Có nguồn tin cho biết mấy chục năm trước chính CIA đã đào tạo dựng bin Laden [54 tuổi] với mục đích phục vụ cho cuộc chiến chống lại Afghanistan. Về sau, bin Laden lại cầm đầu mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda quyết liệt chống Mỹ. Chính y là thủ phạm nhiều vụ tấn công khủng bố, trong đó có vụ đánh sập 2 tòa Tháp Ðôi ở New York, ngày 11.9.2001, dẫn tới sự thiệt mạng của hơn 3000 thường dân. Còn nhớ, trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2008, ông Obama từng cam kết rằng nếu đắc cử, ông sẽ ra lệnh cho quân đội giết chết bin Laden. Giờ đây cam kết của ông đã được thực hiện.
Trong lúc Hoa Kỳ và toàn thể dân chúng trên thế giới tự do vui mừng đón nhận tin trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt, và lên tiếng chúc mừng nước Mỹ; thì CSVN im lặng, đợi đến mấy ngày sau, 3.5.2011, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga mới lúng túng lên tiếng trong một tuyên bố ngắn gọn, dưới dạng “trả lời câu hỏi của phóng viên” [nhưng không dám nói là phóng viên nào], rằng:
Việt Nam phản đối chủ nghĩa khủng bố và lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức. Những kẻ khủng bố phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình và cần phải bị nghiêm trị.”
Sau đó, chẳng những không ai nghe CSVN đề nghị “nghiêm trị khủng bố” như thế nào, mà cũng không ai thấy Nguyễn Phương Nga nói gì thêm nữa chuyện “nghiêm trị khủng bố”; vì nói gì nữa, khi “khủng bố là sở trường của CSVN”, và “im lặng trước khủng bố quốc tế” cũng là sở trường của Nguyễn Phương Nga. Do đó, mọi người không ai ngạc nhiên khi thấy ngày 13.5.2011 khủng bố xảy ra theo tin được Mai Vân đưa lên đài RFI, trước sự “im lặng” sở trường của CSVN:
11 ngày sau cái chết của Osama bin Laden, một vụ khủng bố kép đã làm rung chuyển thành phố Shabqadar, miền Tây Bắc Pakistan vào hôm nay, 13.05.2011. Ðã có ít nhất 80 người thiệt mạng, trong đó khoảng 70 người là lính trẻ. Vụ tấn công tự sát nhắm vào trung tâm huấn luyện lực lượng bán quân sự của cảnh sát. Kẻ khủng bố trà trộn vào đám đông đã cho nổ quả bom mang trên người, khi những người lính trẻ đang lên xe buýt [xem hình]. Ðây là vụ khủng bố đẩm máu nhất tại Pakistan trong năm nay. Taliban đã hứa trả thù cho bin Laden, và họ đang thực hiện lời hứa.”
Trong khi đó, đồng nhịp với khủng bố quốc tế, CSVN không ngừng tiến hành các đợt khủng bố mới nhắm vào người H’mong ở huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên, nằm ngay 3 biên giới Việt Nam, Lào và Trung quốc.
Nhà cầm quyền CSVN cấm nhà báo đến Mường Nhé để săn tin trung thực những gì đã và đang xảy ra, để phát ngôn viên Nguyễn Phương Nga độc quyền phổ biến tin có lợi theo đúng quan điểm “không có khủng bố” của Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Các hãng tin quốc tế chuyên săn tin ngoài luồng, qua những cách moi tin sở trường, đã khiến nhiều tin tức được dồn dập phố biến ngược lại với sự chạy chối của Nguyễn Phương Nga. Từ đó, ngày 11.5.2011, phóng viên Ðức Tâm của đài RFI viết rằng:
Theo tổ chức Ðoàn kết Kitô giáo Thế giới, (Christian Solidarity Worldwide [CSW]), trong cuộc biểu tình của người H’mong có 130 người đã bị bắt giữ và quân đội vẫn tiếp tục được điều động lên tỉnh Ðiện Biên, để phong tỏa nơi mà những người H’mong, thuộc một giáo phái, đã biểu tình và bị giải tán hồi tuần trước. Mặc dù chính quyền Việt Nam tuyên bố tình hình huyện Mường Nhé đã yên ổn, nhưng các cơ quan truyền thông và tổ chức bảo vệ nhân quyền, đấu tranh cho tự do tín ngưỡng vẫn tiếp tục đưa tin về cuộc biểu tình của người H’mong. Hôm 10.05.2011, hàng ngàn người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã bị đưa về bản quán, nhưng hiện vẫn còn khoảng 3000 người tụ tập biểu tình. Vẫn theo nguồn tin của CSW, có hai người cầm đầu giáo phái đã chạy trốn vào rừng và bị quân đội bắn chết. Trong khi đó, giới phóng viên và ngoại giao nước ngoài vẫn không được phép lên tỉnh Ðiện Biên. Ðiện thoại liên lạc với khu vực này bị cắt. Ðiều đáng lo ngại là những người còn tụ tập biểu tình ở huyện Mường Nhé phải sống trong hoàn cảnh bị cô lập, bên ngoài không thể vào được, điều kiện vệ sinh tồi tệ, quân đội hiện diện đông đảo. Chính quyền Việt Nam cho biết có ba trẻ nhỏ đã thiệt mạng… Theo tổ chức Ðoàn kết Kitô giáo Thế giới thì Tây Bắc là một trong những nơi mà quyền tự do tôn giáo bị bóp nghẹt nhất Việt Nam… Ðại diện CSW, ông Andrew Johnston, kêu gọi chính phủ Việt Nam tự kiềm chế và bảo đảm các quyền của những sắc dân thiểu số trong thời điểm căng thẳng hiện nay. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc Việt Nam tôn trọng các quyền tự do tôn giáo của công dân”.
Do vậy, đứng về phía Nhà nước, đến nay có ít nhất hai điều có thể khắng định được. Ðó là:
§  Ðã có xảy ra xáo trộn tại Mường Nhé;
§  Nó được xác nhận qua chuyến công cán đặc biệt của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, được nhà nước đưa lên Tây Bắc, không có phóng viên nào được tháp tùng để làm tin.
Do đó, dư luận chỉ được ông xác nhận hôm Thứ Ba với Thông tấn xã Việt Nam rằng:
Mặc dù là vụ tụ tập đông người, gây rối, nhưng vẫn được giải quyết trong hòa bình. Tất cả đồng bào bị lôi kéo, dụ dỗ đều đã trở về quê quán.”
Nói thì như vậy, nhưng thực tế đã không phải vậy. Vì làm sao “giải quyết trong hòa bình” khi có rất đông lực lượng quân đội được điều động tới đó, máy bay trực thăng cũng ồn ào bay tới đó. Mặc dầu nhà nước vẫn tiếp tục ngăn cấm không cho báo chí đến khu vực có xảy ra biểu tình; nhưng theo sự xác nhận của một cư dân địa phương với đài RFA thì đã có rất đông bộ đội, và thậm chí cả trực thăng quân đội cũng được triển khai trong khu vực này. Nó khiến phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nguyễn Phương Nga phải thú nhận với báo chí tại Hà Nội rằng “chỉ có 1 em bé thiệt mạng do điều kiện vệ sinh kém”. Trong lúc người nghe không rõ “điều kiện vệ sinh kém” nào đã làm cho 1 em bé chết, thì một bản tin được hãng thông tấn Ðức DPA trích dẫn lời của giới chức chính quyền địa phương xác nhận “có 3 em nhỏ thiệt mạng”.
Ngoài ra, nguồn tin ghi nhận được ngay từ hai địa phương Ðiện Biên Phủ của Việt Nam và Phongsali của Lào cho biết “Bộ đội Việt Nam giết thêm 14 người H’mong và hằng trăm người bị mất tích”. Nguồn tin này nói rằng:
“Nhiều trung đoàn bộ đội chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt Nam được đổ về một tỉnh then chốt của miền Bắc Việt Nam, để tấn công và bắt hằng ngàn người H’mong theo Thiên Chúa giáo, Tin Lành và người theo thuyết Duy linh, đang biểu tình đòi hỏi nhân quyền, tự do tôn giáo, cải cách đất đai và chấm dứt việc đốn cây và phá rừng bất hợp pháp. Mười bốn (14) người H’mong gốc Việt được xác nhận là bị giết trong cuộc xung đột qua đêm giữa lính bộ binh CSVN và những người biểu tình gốc Việt Nam, thuộc chủng tộc H’mong. Tối thiểu là có 63 người biểu tình bị thiệt mạng kể từ khi cuộc biểu tình lớn bắt đầu tuần rồi với nhiều người tham gia nhưng ôn hoà xảy ra, theo Trung tâm Phân tích Chính sách Công cộng (CPPA), những tổ chức phi chính phủ của người H’mong, và những nguồn tin từ Lào, H’mong và Việt Nam, ở dọc theo biên giới Việt, Lào [Xem hình Tướng Trần Quang Khuê, Phó Tham Mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đưa các trung đoàn cơ giới và máy bay trực thăng loại tấn công đến để tấn công và săn lùng người Hmong biểu tình ở tỉnh Ðiện Biên. Nguồn hình CPPA]. Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông báo là họ chận khu vực người H’mong biểu tình không cho các nhà báo độc lập và các hãng thông tấn quốc tế tới đó. Họ cấm nhà báo đưa tin liên quan đến hằng ngàn người biểu tình, và liên quan đến việc nhà nước đưa hàng ngàn bộ đội đến vùng này để chấm dứt những cuộc tụ tập công khai phản đối nhà nước trong những ngày qua”.
Nguồn tin cũng viết thêm:
“Với cái cớ hoàn toàn sai lạc, và tin tức sai trái, các tướng lãnh quân đội ở Hà Nội đã gởi thêm lính đến để tấn công và bắt giữ người H’mong yêu chuộng tự do của chúng tôi, họ tiếp tục lên án một cách sai lầm với sự xuyên tạc sự thật và thông tin sai lạc, nhưng cùng lúc họ cũng từ chối không cho phép các nhà báo và các hãng truyền thông độc lập được phép viếng thăm người H’mong ở Việt Nam, là những người đã biểu tình chống bất công, chống khốn khổ và sự truy bức vì lý do tôn giáo.”
Dịp này, Giám đốc Ðiều hành tổ chức Người H’mong Tiến bộ, có trụ sở ở Hoa Thạnh Ðốn, D.C., bà Christy Lee đặt vấn đề:
Tại sao lãnh đạo Ðảng Cộng sản Việt Nam sợ sự thật về lý do tại sao người dân biểu tình ở tỉnh Ðiện Biên nhằm đòi hỏi cho sự cải cách và thay đổi thực sự và có ý nghĩa ở Việt Nam?… Người H’mong gốc Việt và người Việt Nam ở tỉnh Ðiện Biên và dọc theo biên giới Việt, Lào ở miền Bắc Việt Nam đã nói với chúng tôi là người dân nghèo họ đơn giản kêu gọi nhà nước Hà Nội, và các Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Ðảng thiết lập lại công lý và những nhân quyền căn bản cho người dân Việt Nam, và người thiểu số, ở tỉnh Ðiện Biên.”
Ngoài ra, Giám đốc Ðiều hành của CPPA, có trụ sở ở Hoa Thạnh Ðốn, ông Philip Smith, nói:
“Hôm nay, các nguồn tin địa phương đã báo cáo là các trung đoàn mới của Quân đội Nhân dân Việt Nam được đưa về đây bằng xe và xe tải nhà binh, đến những khu vực biểu tình của người H’mong ở tỉnh Ðiện Biên từ những con đường chính đưa đến khu vực này bao gồm đường chiến lược số 6 và đường 42… Bên cạnh xe tải, xe bọc sắt, còn có “quân vận đến vùng này bằng máy bay trực thăng cũng như máy bay trực thăng M-8 có gắn súng liên thanh để tấn công và săn đuổi người Hmong ở khu vực cao nguyên… [Xem hình một người tị nạn Hmong bị cảnh sát bắt thảy lên xe cưỡng bức hồi hương từ biên giới Thái Lan… Nguồn hình: AFP/Getty Images’]. Vào sáng sớm, năm người biểu tình H’mong, 3 đàn ông và 2 đàn bà, đã bị bắn chết bởi xe bọc sắt khi họ bỏ trốn vùng biểu tình, trên đường 42, không may đâm sầm vào một trung đoàn cơ giới của Quân đội Nhân dân Việt Nam mới được điều vào vùng này”.
Mặt khác, trên lãnh vực bất dung tôn giáo, Amnesty International [tổ chức Ân xá Quốc tế] đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu CSVN tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân, nhất là những người sắc tộc đi theo đạo Tin Lành ở miền núi. Báo cáo viên Janice Beanland của Ân Xá Quốc Tế nhắc đến diễn biến mới nhất liên quan đến người H’mong ở miền Bắc:
Dù không nhận được nhiều thông tin về vụ việc ở Ðiện Biên, cũng chưa thể kiểm chứng tin tức về người chết, và rất đông người bị bắt ở đó; tuy nhiên Amnesty International vẫn nghĩ nếu Việt Nam cho phép báo chí đến địa phương để đưa tin một cách công khai thì vẫn hay hơn là dùng quân đội để giải tán vụ tập hợp của người H’mong rồi phong toả khu vực đó. Việt Nam không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của các đạo giáo trong nước, nhưng điểm đáng quan ngại nhất là khu vực Tây Nguyên và các dân tộc miền núi, nơi mấy trăm người Thượng vẫn còn bị giam giữ từ 2001 khi biểu tình đòi quyền lợi và tự do tôn giáo. Ðến giờ Amnesty International vẫn nhận được báo cáo là công an cảnh sát địa phương tiếp tục đàn áp, sách nhiễu, đe dọa, bắt giữ, buộc từ bỏ đức tin đối với người Thượng theo đạo Tin Lành. Có thể nói nhân quyền của người sắc tộc Tây Nguyên đã và đang bị chà đạp một cách nghiêm trọng”.
Ngoài ra, trong phần phản hồi bài “Chuyện khủng bố ở Việt Nam”, đăng trên ÐCV ngày 5.5.2011, lúc 19:45, tác giải DILINH có đề cặp tới trường hợp khủng bố vô cùng khủng khiếp của CSVN. Ông viết: “…CSVN GIẾT 7 TRẺ EM HỌC GIÁO LÝ BẰNG ÐÓNG CỌC VÀO TAI”: Trong hồi ký “Deliver us from Evil”, Bác sĩ Tom Dooley kể lại:
“Bảy học sinh và thầy giáo bị lôi ra khỏi lớp. Tất cả bị bắt ngồi xuống đất và hai tay bị trói gập ra sau lưng. Hai nguời công an đi đến từng đứa trẻ. Một nguời dùng hai tay kèm chặt lấy đầu đứa bé, nguời kia đặt chiếc đũa bằng tre đóng mạnh sâu vào hai lỗ tai, tiếng kêu la thất thanh vang dội cả làng, máu trào ra lênh láng… ”…
Mặt khác, chuyện “khủng bố trắng”, và nô lệ giặc Tàu, cũng được thể hiện qua bài viết được sinh viên Trịnh Kim Ðức Doanh cho đăng trên (danlambao) ngày 9.5.2011 tường thuật lại “Chuyến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam”, viết rằng:
“Họ cốt gieo vào thế hệ trẻ lòng căm thù Pháp, Mĩ, lòng tôn sùng đảng cộng sản, và lòng thù hận với người Việt hải ngoại. Họ cố tình làm lu mờ lịch sử chống Trung Quốc trong mấy ngàn năm, gây tội ác với dân tộc ở trong tình cảnh đất nước đang lâm nguy trước sự bành trướng của Trung Hoa Cộng Sản” [Người trích in đậm và gạch dưới].
Chuyện khủng bố được CSVN nhắm vào người H’mong ở Mường Nhé khiến người theo dõi thời cuộc nhớ tới những chuyện khủng bố chúng nhắm vào người dân Việt trong thời chúng tiến hành cuộc xâm lăng Miền Nam Việt Nam, mà tới nay được nhiều người coi như chuyện “xưa rồi Diễm”, không đáng lập lại; nhưng làm sao quên được khi vết thương vẫn còn rỉ máu, khi cảnh máu đổ thịt rơi vẫn bầy nhầy trên từng trang sử máu [Xem hình một chiếc xe đò bị lật do mìn của CS gài tại Phú Yên tháng 2.1964], nhứt là những trang sử đó vẫn còn in dấu hằng năm, đúng ngày sanh của Hồ Chí Minh là bọn khủng bố thi nhau lập thành thích “dâng Bác” bằng những chuyện khủng bố, bằng việc đặt mìn các xe đò lưu thông trên các trục lộ, bằng những trái đạn pháo kích vào các thành phố, bất kể có ít hay đông dân cư trú, khiến ngày sanh của một tội phạm của dân tộc thành ngày chết của nhiều người vô tội [Xem sách Hồ Chí Minh Tội Phạm Nhân Quyền của Nguyễn Ngọc Huy & Trần Minh Xuân, Mekong-Tỵnạn xuất bản 1992].
Thực tế cho thấy sau 36 năm hoàn tất cuộc xâm lăng Miền Nam bằng bạo lực và lừa đảo, bằng khủng bố kinh hoang, bằng cuộc “khủng bố trắng” trong các trại tù cải tạo, các vùng kinh tế mới, các chuyện lừa lọc bắt giữ và bắn chìm các tàu vượt biên…; họ vẫn tiếp tục hành động khủng bố của mình bằng nhà tù, bằng còng số 8 [xem hình minh họa trích từ DCV] thông qua điều 88 và 79 của bộ Luật Hình Sự, khiến những nhà đấu tranh Dân chủ hóa Việt Nam bị bắt giữ, bị cầm tù như các ông Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Vi Ðức Hồi, Phạm Thanh Nghiên… Nhiều người ra tù rồi vẫn bị quản chế và khủng bố gắt gao như Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân, LM Nguyễn Văn Lý, Phạm Hồng Sơn, Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ… v.. v… Ðó là sự tiếp tục chủ nghĩa khủng bố vô cùng khủng khiếp nhưng lại là “chuyện thường ở huyện”.
Ðến cả những người tìm đường đào thoát ra hải ngoại cũng bị khủng bố khi chúng cho công an chận hết các lối truy lùng để bắt cóc, thủ tiêu, hay giam cầm ở đâu đó không ai biết được, như trường hợp ông Lê Trí Tuệ [xem hình], mà theo tin được đài VOA phát đi ngày 18.5.2007 cho biết:
“Hôm thứ năm, 17.5.2001, một giới chức của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết một nhân vật bất đồng chính kiến Việt Nam đang được Liên Hiệp Quốc bảo trợ ở Campuchia đã bị mất tích. Bản tin hôm thứ sáu của Nhật báo Campuchia trích thuật thông tin từ Tổ chức Human Rights Watch có trụ sở tại New York cho biết ông Lê Trí Tuệ, 29 tuổi đã chạy trốn sang Campuchia hồi tháng 4 giữa lúc chính phủ tiến hành chiến dịch bắt bớ các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam. Là một lãnh đạo công đoàn, ông Lê Trí Tuệ đã bị chính phủ Việt Nam theo dõi vì đã lưu hành các lá thư và các khiếu nại trên mạng đòi có tự do và dân chủ hơn ở Việt Nam. Người phát ngôn Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) bà Inge Sturekenboom cho biết ông Lê Trí Tuệ được Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn coi là một nguời cần được quan tâm và ông đã xin tị nạn thông qua cơ quan của bà. Bà Sturkenboom cho biết bạn bè của ông Tuệ đã tới văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn và thông báo về việc mất tích của ông Tuệ và văn phòng Cao ủy cũng đã thông báo về vụ việc với chính phủ Campuchia. Bà Sturkenboom nói rằng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đã đề nghị chính phủ Campuchia tìm kiếm ông Tuệ và họ vô cùng quan tâm đến vấn đề này. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia, Thượng tướng Khieu Sopheak nói rằng ông có biết về vụ việc nhưng ông không thể cung cấp thêm thông tin về vụ mất tích hay liệu bộ nội vụ có tiến hành điều tra hay không. Ðại sứ Việt Nam tại Campuchia, ông Trịnh Bá Cầm cũng nói rằng ông không có thông tin gì về ông Lê Trí Tuệ”.
Mới đây, chuyện Blogger Ðiếu Cày, tức nhà báo Nguyễn Hoàng Hải, cũng là một trường hợp khủng bố tinh vi. Chúng đã dựng đứng chuyện “trốn thuế” để bắt ông và đưa ra tòa xử tù ông 30 tháng, từ năm 2008, vì ông đã dám cùng bằng hữu kêu đòi “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” trong các cuộc biểu tình ngay giữa thành phố Sài Gòn khiến bọn cầm quyền ở Bắc Kinh đô hộ Việt Nam phẫn nộ ra lịnh cho đám Thái thú ngồi ở Bắc bộ phủ Hà Nội bắt giam ông.
Trong tù chúng khủng bố ông đủ điều, đến ngày mãn hạn tù, ngày 20.10.2010, người nhà và bạn bè đến cổng nhà tù đón ông thì chúng lại tiếp tục khủng bố ông, bằng cách giam tiếp ở một trại giam khác, để điều ta về một tội danh được dựng đứng khác là “tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Chuyện này đã khiến tổ chức Ân Xá Quốc Tế lưu tâm theo dõi, thu thập:
Sáu tháng qua không một ai nhìn thấy hay gặp Nguyễn Hoàng Hải. Có nghĩa ông ta vẫn ở trong tù nhưng gia đình không được phép thăm nuôi hoặc tiếp tế thực phẩm hay thuốc men và cũng không rõ ông đang bị giam nơi nào. Ðây là một trong những thí dụ khiến Amnesty International có thể khẳng định nhà cầm quyền Việt Nam đã không thể bảo vệ cũng như không tôn trọng quyền làm người của người dân trong nước họ”.
Ðiều này cũng được vợ ông là bà Dương Thị Tân viết thư cầu cứu; và một lần nữa Ân Xá Quốc Tế bày tỏ những quan ngại về sức khỏe của Ðiếu Cày khi ông bị ngăn cấm không được nhận thực phẩm và thuốc men. Tổ chức này nói thêm rằng:
“Lần cuối cùng mà con trai ông được gặp ông là ngày 19 tháng 10 năm 2010 tại trại giam Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai, một tỉnh phía Ðông Nam bộ. Lúc đó, ông đã hết hạn bản án tù giam 2 năm rưỡi vì tội gian lận thuế, một tội danh được tin rằng xuất phát từ ý đồ chính trị của nhà cầm quyền. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục giam giữ ông và công an đã thông báo cho gia đình rằng ông bị tiếp tục giam giữ để điều tra theo điều 88 của Bộ Luật Hình Sự năm 1999 về tội tuyên truyền chống nhà nước. Kể từ tháng 10.2010, thân nhân và luật sư của ông Nguyễn Hoàng Hải đã 13 lần yêu cầu được thăm và cố gắng gửi thực phẩm, thuốc men và ít tài chính cho ông ta. Nhưng cơ quan an ninh từ chối mọi yêu cầu.
Không ai có thể biết ông Hoàng Hải hiện đang bị giam giữ ở đâu, tình trạng giam giữ và sức khỏe của ông Hoàng Hải ra sao. Thân nhân và bạn bè rất quan ngại và lo lắng cho tình trạng an toàn của ông Hoàng Hải.
Ðiều kiện nhà tù ở Việt Nam nói chung khắc nghiệt, ăn uống thiếu thốn và sự chăm sóc sức khỏe bị hạn chế; tù nhân phải phụ thuộc vào nguồn tiếp tế từ chính gia đình của họ.
Vào năm 2009, ông Hải bị chuyển đến một trại giam cách rất xa Tp.HCM, sau đó ông còn bị biệt giam nhiều tháng nữa. Việc này đã tạo nhiều khó khăn cho gia đình khi họ đi thăm và tiếp tế cho ông. Tù chính trị bị biệt giam rất dễ bị tra tấn và ngược đãi.
Ông Nguyễn Hoàng Hải là đồng sáng lập viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do được thành lập vào năm 2007, các bài viết của ông đã chỉ trích các chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam và ông cũng tham gia vào những cuộc biểu tình ôn hòa.
Ông đã công khai chỉ trích chính sách của chính phủ trước khi bị bắt vào tháng Tư năm 2008 và đã lên tiếng cho nhân quyền tại Việt Nam trong blog của mình.
Vào tháng 5/2009, Nhóm Hoạt Ðộng về Giam Cầm Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc đã cho rằng việc bắt giam ông là tùy tiện vì thiếu cơ sở theo luật quốc tế.
Nguyễn Hoàng Hải là một tù nhân lương tâm.
Hãy viết ngay bằng tiếng Anh, tiếng Việt hay bằng ngôn ngữ của bạn:
§  Ðòi hỏi nhà cầm nguyền thả ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nguyễn Hoàng Hải;
§  Kêu gọi nhà cầm quyền cho ông Nguyễn Hoàng Hải được gặp gia đình, luật sư và bác sĩ;
§  Ðòi hỏi nhà cầm quyền cam đoan rằng ông Nguyễn Hoàng Hải không bị tra tấn hay ngược đãi trong tù.
Xin gởi lời kêu gọi trước ngày 21 tháng 6 đến:
       Bộ Trưởng Công An Lê Hồng Anh
44 Ðường Yết Kiêu, Hà Nội,Việt Nam
Fax : + 844 3942 0223
       Bộ Trưởng / Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm
01 Ðường Thất Ðạm, Quận Ba Ðình, Hà Nội,Việt Nam
Fax : + 844 3823 1872
Email : bc.mfa@mofa.gov.vn”
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cũng không quên nhắc lại trường hợp khủng bố Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ khi công an dựng dứng “2 bao cao su đã qua sử dụng” để lấy cớ bắt giam, rồi khủng bố trắng tại phiên tòa đáng lý ra viên chánh án phải là tội phạm bị xét xử bằng chính luật pháp của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ðiều đặc biệt cũng không được quên là Ðảng và Nhà nước đã khủng bố giáo dân Công giáo Cồn Dầu, Ðà Nẵng; khiến họ phải gánh chịu khủng bố khi bị cảnh sát CSVN vũ trang thẳng tay trấn áp, chỉ vì họ có chuyện tranh chấp đất đai với chính quyền địa phương. Hàng chục người bị thương. Gần sáu chục người bị bắt, bị tạm giam, hai người bị kết án từ 9 đến 12 tháng tù giam, nhiều người khác bị tước quyền công dân. Khoảng bốn chục tín đồ đã phải chạy sang Thái Lan xin tỵ nạn.
Nhưng cái khốn nạn của CSVN đã lên đến tuyệt đỉnh khi chúng đẩy chuyện khủng bố lên mức “hơn cả tuyệt vời” là lúc nhân mùa kỷ niệm cuộc “khủng bố trắng” 30.4.1975, được chúng nhắc lại hằng năm như một chiến tích phi thường, khiến toàn dân Miền Nam không ai không là nạn nhơn của khủng bố. Cái tuyệt đỉnh đó là năm nay chúng hãnh diện tiến hành việc vinh danh khủng bố.
Trước đây, người dân ở Rạch Giá không quên tên Việt Cộng đặt mìn giật sập cầu đúc Rạch Gía vào giữa ban ngày, làm mấy chục người chết, được CSVN vinh danh là “anh hùng sông Cái Lớn”. Ðến sau ngày 30.4.1975 một ứng cử viên Ðại biểu là kẻ có thành tích giật sập cầu năm nào!… để một lần nữa “vinh danh kẻ khủng bố”. Ðặc biệt năm nay CSVN cho đăng lại bài “Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn” của Vũ Quang Hùng nhằm vinh danh chiến công khủng bố hiển hách của 2 biệt động Sài Gòn là Hùng và Châu. Sau đây là nguyên văn bài viết được đăng trên báo Dân Việt:
Tôi ám sát người sắp làm Thủ tướng Sài Gòn
(Dân Việt) – Trưa 10.11.1971. Một tiếng nổ long trời tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản khiến ông Nguyễn Văn Bông, Giám đốc Học viện Quốc gia Hành chính, người chuẩn bị nắm chức Thủ tướng (ngụy) chết tại chỗ.
Nó được báo Nông Thông Ngày Nay [NTNN là tờ báo liên kết với Dân Việt] đăng lại với lời “trân trọng giới thiệu bài viết của ông Vũ Quang Hùng, người đã theo dõi, lên phương án tấn công và trực tiếp dự trận đánh này”.
Vào cuộc
Trung tuần tháng 10 năm 1971, ngay sau khi nhận lệnh của cấp trên về mục tiêu cần diệt là Giáo sư Nguyễn Văn Bông, việc đầu tiên là tôi điểm lại tất cả anh chị em trong Ðội do tôi (Vũ Quang Hùng, bí danh Ba Ðiệp) làm Ðội trưởng. Ðội trinh sát võ trang mang bí số S1 hoạt động nội thành Sài Gòn-Chợ Lớn thành lập chưa đầy một năm, gồm 11 người (kể cả tôi).
Tôi nhớ dặn dò của đồng chí Tám Nam – Phó ban An ninh T4 (tức khu vực Sài Gòn-Gia Ðịnh): “Ðể bảo đảm bí mật, chúng ta sẽ đặt cho mục tiêu bí số G.33. Cần giữ bí mật đến phút chót và theo tin tức tình báo, G.33 đang chuẩn bị lên nắm ghế Thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”.
Giáo sư Nguyễn Văn Bông là Thạc sĩ công pháp quốc tế đầu tiên của Việt Nam, tốt nghiệp tại Pháp, đang nắm chức Giám đốc Học viện Quốc gia Hành chính, đồng thời là Chủ tịch Phong trào Cấp tiến, một tổ chức chính trị chống cộng.
Tôi quyết định tự mình trinh sát mục tiêu, đề ra phương án hành động. Mặt khác, tôi chuẩn bị vũ khí để thực hiện trận đánh.
Sau khoảng nửa tháng bám sát mục tiêu, tôi hầu như nắm chắc quy luật đi lại của G.33: Buổi sáng ra khỏi nhà hơi thất thường, có khi không tới chỗ làm. Nhưng hễ đã vô Học viện Quốc gia Hành chính là thế nào ông ta cũng rời Học viện lúc 11 giờ 45 để trở về nhà. Lộ trình từ Học viện về nhà cũng không bao giờ thay đổi: Theo đường Trần Quốc Toản (nay là 3.2), quẹo phải qua Cao Thắng, đến ngã tư Phan Thanh Giản (nay là Ðiện Biên Phủ) thì rẽ trái.
Tôi cũng nói thêm về việc bảo vệ ông Bông vào thời gian này. Ông di chuyển trên xe hơi Ford Falcon màu đen. Ngồi trên xe hơi luôn có một cận vệ. Chạy theo bảo vệ xe hơi của ông thoạt đầu có hai xe gắn máy, nhưng từ sau khi báo chí đăng tin ông có thể lên nắm chức Thủ tướng, số xe gắn máy tăng lên từ ba tới bốn chiếc, mỗi xe đều chở đôi.
Ðầu tháng 11.1971. Tôi trình bày vắn tắt ba phương án hành động rồi gửi về căn cứ đặt tại An Phước, Bến Tre. Ðã đến lúc tìm người cụ thể bắt tay hành động. Tôi gặp Năm Tiến – Ðội phó S1, trao đổi tình hình và yêu cầu, hỏi anh ta có dám “vào trận” hay không, tuy vẫn chưa cho biết đối tượng cũng như phương án tấn công nhằm bảo đảm bí mật. Năm Tiến hăng hái nhận lời, nói Tư Xá, một trinh sát trong đội, cũng đang nóng lòng chờ xuất quân.
Cũng cần nói thêm, lúc này tôi đã có 6 trái lựu đạn “da láng”, thêm khẩu Colt 45. Cho nên, trong thư gửi về căn cứ tôi viết nếu chấp nhận phương án ba (ném lựu đạn, mìn DH vào xe của G.33 tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản) và chỉ cần gửi cho tôi trái DH khoảng 5kg.
Trên nhất trí duyệt phương án 3, đồng ý cả đề xuất nhân sự, hẹn tôi ngày, giờ cụ thể đón giao liên để nhận mìn định hướng.
Tình huống ngoài dự kiến
Tôi cũng tính toán thật chính xác thời gian khoảng từ khi tháo chốt đến khi lựu đạn nổ, thừa đủ thời gian cho trinh sát thoát thân. Vậy là trong óc tôi hình thành cách cấu tạo khối chất nổ: Vì trinh sát hóa trang làm sinh viên nên sẽ hết sức tiện lợi khi mang theo cặp da, trong đó chứa vừa lựu đạn, vừa trái DH. Tôi quyết định luôn “ngày D” để báo cáo về căn cứ: Ðó là ngày 9.11.
Vừa nhận trái DH từ căn cứ gửi lên, tôi mua ngay một cặp da và cuộn dây kẽm, mang về gác trọ bắt tay vào việc. Ba lựu đạn da láng cùng trái DH gọn gàng nằm trong cặp. Tuy đã dùng nhiều sợi dây thun cột càng lựu đạn, tôi vẫn chỉ tháo bỏ chốt chính, và dự định khi trao cho Năm Tiến, tôi sẽ dặn kỹ anh ta chỉ kéo bỏ chốt phụ ngay trước giờ hành động. Riêng trái lựu đạn dùng làm “ngòi”, tôi chỉ thay chốt phụ bằng cọng dây kẽm, chốt chính vẫn giữ lại, và việc này cũng phải chờ đến phút chót.
Ðến ngày 8 tôi mới nói với Năm Tiến đối tượng cần tấn công cũng như toàn bộ kế hoạch. Cặp da chứa chất nổ và khẩu Colt 45, tôi sẽ trao cho Năm Tiến vào 9 giờ sáng ngày hôm sau, vừa đủ thời gian để anh và Tư Xá kiểm tra kết cấu chất nổ và cách sử dụng. Tôi hẹn gặp Năm Tiến tại một quán cà phê, rồi mới đưa anh ta tới địa điểm cất giấu vũ khí. Tiếp theo Năm Tiến sẽ gặp Tư Xá trao đổi lại toàn bộ sự việc và liền đó hai người bắt tay làm nhiệm vụ… Nhưng thật bất ngờ, vào phút chót Năm Tiến báo tin Tư Xá xin rút, và cả anh ta cũng rút luôn vì không mấy tin tưởng thành công của trận đánh.
Lúc này lòng tôi rối bời. Các đồng chí trong căn cứ sẽ nghĩ sao? Kế hoạch đã lên nay không thực hiện, không lẽ chỉ là một ý nghĩ viển vông, lý thuyết suông? Nếu không nhanh chóng thực hiện phương án, qua ít ngày nữa, ông Bông lên nắm chức Thủ tướng, khi ấy nếu muốn diệt mục tiêu chắc chắn phải trở lại từ đầu, kể cả khâu trinh sát.
Lúc này tôi không có ai để bàn bạc, tham khảo ý kiến, mà phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Cuối cùng tôi quyết định tiếp tục hành động. Vấn đề là tìm người thực hiện cụ thể.
Trong đội trinh sát S1 thực tế tôi chỉ còn lại Châu. Nguyên là sĩ quan quân đội, đương nhiên Châu quen với lựu đạn, súng. Và đây là điều hết sức thuận lợi nếu anh ta làm trinh sát số hai – người quăng chất nổ.
Còn trinh sát số một – người chạy xe gắn máy chở trinh sát ném lựu đạn? Phải thành thực nhận định, không ai thuận lợi bằng tôi: Biết rành cũng như nắm vững quy luật đi lại của đối tượng; và hơn hết, đã quen với con hẻm dẫn ra khỏi hiện trường. Vả lại, tôi cũng không thể tìm đâu ra người trong thời gian cấp bách.
Tôi lập tức tìm gặp Châu. Rút kinh nghiệm Năm Tiến, tôi chưa vội trao đổi cụ thể với Châu, mà chỉ hỏi anh dám tham gia một trận đánh tại nội thành có thể nguy hiểm đến tính mạng hay không? Tôi nhớ Châu chỉ hỏi lại ngoài anh ta ra còn ai cùng dự trận, và khi tôi trả lời còn một người nữa là tôi, anh đồng ý ngay. Tôi hẹn sáng ngày mai, lúc 10 giờ trưa, sẽ gặp lại anh giao nhiệm vụ và vũ khí cùng lúc, để thực hiện luôn vào buổi trưa cùng ngày…
Ðúng 10 giờ sáng hôm sau, ngày 10.11.1971, tôi chở Châu đến nơi cất giấu vũ khí. Tại đây, tôi kể lại toàn bộ tình hình cho Châu nghe, từ chỉ thị của cấp trên, việc trinh sát đối tượng, phương án đánh, đến vũ khí sử dụng. Chỉ đến khi Châu hỏi “vậy vũ khí đâu?”, tôi mới lôi cặp da ra.
Tôi mở cặp da, để Châu tận mắt thấy trái mìn DH và 3 lựu đạn da láng, trong đó 2 đã được rút chốt chính và cột bằng dây thun, trái thứ 3 còn nguyên chốt chính trong khi chốt phụ đã được thay bằng cọng dây kẽm và đầu kia của dây kẽm xuyên qua cặp da, cột vào quai xách.
Còn khẩu Colt 45, tôi giắt vào bụng mình để Châu không bị trở ngại khi hành động và khi chạy, dặn vạn bất đắc dĩ Châu mới thọc tay vào bụng tôi, rút ra sử dụng.
11 giờ 15, tôi chở Châu lên đường. 11 giờ 25, tôi tấp xe vào quán nước đối diện Học viện. Còn Châu xách cặp làm bộ đứng chờ xe buýt tại trạm gần quán.
11 giờ 40, tôi trả tiền. Ðúng 11 giờ 45, phía trong Học viện có bóng người chuyển động về hướng xe hơi. Dù cố trấn tĩnh, tim tôi vẫn đập rộn ràng. Tôi lập tức rời quán, lên Honda, nổ máy, chạy chầm chậm. Châu đã thấy tôi, bước đến sát mé đường. Ba-ri-e ngoài cổng Học viện hạ xuống, chiếc Ford Falcon lao ra rất nhanh, đến nỗi tôi vừa dừng xe đón Châu thì xe hơi đã quẹo ra đường Trần Quốc Toản; và khi Châu lên ngồi trên yên sau Honda thì xe hơi đã vượt qua xe tôi, 3 xe gắn máy chở đôi bám theo.
Không hiểu sao lúc này tôi lại tự nhiên hết hồi hộp mà thanh thản một cách kỳ lạ. Tôi tự nhủ không nên chạy sau xe Ford Falcon, vì có thể sẽ bị đám cận vệ phát hiện, nên tăng ga. Chiếc Honda 67 lướt rất êm, vừa tới ngã ba Cao Thắng đã qua mặt xe hơi.
Honda vẫn chạy trước xe hơi khoảng 5-6m, và cách ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản chừng 15m thì đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ. Tôi dừng Honda để Châu bước xuống, còn tôi vòng Honda qua bên kia đường, đầu xe nhắm ngay con hẻm, gài số một. Phía trước mặt tôi, hơi chếch về bên mặt, là tấm kiếng lớn của một xe hủ tíu-mì. Tôi quan sát phía sau qua tấm kiếng lớn này.
Châu vừa xuống xe thì chiếc Ford Falcon cũng vừa ngừng. Châu tấp vô lề, vòng ra phía sau xe hơi, quăng cặp da xuống ngay gầm xe bên phải, rồi nhanh như chớp, chạy băng qua đường. Ðúng lúc Châu chuẩn bị nhảy lên ngồi trên yên Honda thì một tiếng nổ long trời lở đất vang lên, cùng với cột lửa khói vụt bốc lên cao từ chiếc Ford Falcon. Một làn hơi mạnh thổi tạt đến tận chỗ tôi vừa lúc Châu tót lên yên và tôi lập tức siết tay ga, nhả tay côn hết sức nhịp nhàng. Chiếc Honda như muốn cất cao đầu, lao nhanh vào con hẻm…
Khoảng nửa giờ sau ngồi trong gác trọ, nghe Ðài Phát thanh Sài Gòn thông báo Giáo sư Bông đã bị ám sát, chết tại chỗ, tôi mới trấn tĩnh trở lại…
Vũ Quang Hùng
Nguồn: Nguyenvantuan.net
Bài báo này được CSVN cho đăng trên trang web của Dân Việt và VietNamNet để bày tỏ nỗi hân hoan và hãnh diện của tác giả khi kể chuyện ám sát Giáo Sư Nguyễn Văn Bông như một thứ vinh danh công tác khủng bố của Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng, ngay sau đó, nó đã gây nên một số phản ứng mạnh mẽ trong dư luận, cho rằng: “Ðã đi khủng bố lại còn khoe trên báo.” Phải chăng vì vậy mà VietNamNet xóa bỏ ngay bài này, nhưng Dân Việt và một số báo khác vẫn còn.
Ðiều cần lưu ý là bài viết của Vũ Quang Hùng [xem hình] nêu trên đã từng được tên khủng bố này khoe khoang thành tích khủng bố của mình 10 năm trước, qua bài viết được đăng trên báo Pháp Luật TP HCM, số Xuân 2001, trang 22, có tên là “Nhờ Luật Sư Bào Chữa Tôi Thoát Án Tử Hình”. Nó đã được trích đăng lại trong cuốn Di Cảo Giáo sư Nguyễn Văn Bông [Mekong-Tỵnạn tái bản, in lần thứ 3, 2009, trang 270-285]; xin được trích đăng lại để tiện so sánh và theo dõi:
Luật sư Phạm Thụy Hùng nhận lời bào chữa cho tôi. Miễn phí. Hoàn toàn không phải do tòa chỉ định. Cũng không phải vô cớ. Anh Thụy Hùng quen biết tôi đã từ rất lâu, có thể nói là người anh của tôi từ những năm tôi còn là một chú nhóc mới chín-mười tuổi ở Hải Phòng.
Nên khi mẹ tôi ngỏ ý nhờ anh Thụy Hùng bào chữa cho tôi, anh nhận lời ngay. Về sau, khi tòa đã tuyên án, anh mới kể vơí mẹ tôi: “Thằng Ngọc ngồi ghế công tố là bạn học khá thân, cùng khóa với con ở trường Luật. Biết con nhận cãi cho em Hùng, nó khuyên con từ chối vì biết trước sau em Hùng sẽ lãnh án tử hình. Luật sư có thân chủ lãnh án tử xui xẻo, khó kiếm khách hàng lắm. Nhưng sao con bỏ không cãi cho em Hùng được!”
Thật tình khi đó tôi cũng nghĩ mình sẽ chịu án tử. Với vụ ám sát Giáo sư Nguyễn Văn Bông, người sắp nhậm chức Thủ tướng, quả rất khó khăn.
 [Ghi lại cho rõ chú thích từ hình: Ảnh trên: Chiếc xe của Nguyễn Văn Bông sau khi bị nổ lựu đạn (ảnh trên báo Ðiện Tín ngày 11-11-1971). Ảnh dưới: Anh Lê Văn Châu (người mang kính cận bên trái) và anh Vũ Quang Hùng (áo trắng, không mang kính bên phải) đang bị giải ra Tòa án Mặt trận Quân sự.
Anh Châu hiện là cán bộ báo Tuổi Trẻ (VC), tác giả Vũ Quang Hùng hiện là cán bộ Biên tập báo Pháp Luật (VC) TP Saigon (HCM), anh Huân hiện là Luật sư trong Luật sư đoàn (VC) TP Saigon (HCM)]
Và tôi được đưa ra Tòa án Mặt trận Quân sự nằm ở bến Bạch Ðằng. Cùng ra tòa chung với tôi là một số đồng chí đồng đội, trong đó có Lê Văn Châu và Phan Thanh Huân. Trong vụ này tôi là người trinh sát mục tiêu, lên phương án ám sát, cấu tạo chất nổ đựng trong một cặp da và dùng xe gắn máy chở Châu thực hiện vụ ám sát. Châu quăng cặp táp có chứa lựu đạn và chất nổ ngay gầm xe hơi của ông Bông. Còn Huân, theo cáo trạng, là người cung cấp lựu đạn để tôi cấu tạo thành mìn cho vụ ám sát này. [Tôi nhấn mạnh “theo cáo trạng”, vì trên thực tế chuyện cung cấp vũ khí khá ly kỳ, nhưng không thuộc phạm vi bài này].
Phiên xử trở nên gay cấn và hấp dẫn nhất khi các luật sư lên tiếng biện hộ. Anh Thụy Hùng mở đầu rất hay, xoáy vào một tình tiết khiến các quan tòa bối rối.
– Theo các nhân chứng trực tiếp nhìn tận mắt vụ ám sát miêu tả lại, hung thủ quăng cặp da chứa chất nổ vào gầm xe Giáo sư Bông là một thanh niên trạc 30 tuổi, mặc quần tây màu nâu, áo sơ-mi trắng, sau khi quăng cặp chạy một quãng khoảng mười mét mới nhảy lên yên sau xe Honda 67.
Không một nhân chứng nào khai thanh niên này đeo kiếng cận. Trong khi ấy Lê Văn Châu bị cận thị từ thuở nhỏ, thường xuyên mang kiếng cận sáu độ. Xin hỏi quý tòa, một người cận thị sáu độ, bỏ kiếng ra có thể quăng cặp da một cách chính xác, rồi chạy thật nhanh, luồn lách giữa bao nhiêu xe cộ để thoát thân hay không? Ðề nghị nếu cần, quý tòa cho giám định lại độ cận của bị cáo Lê Văn Châu để tìm ra sự thật.
[Thực ra cảnh sát Tổng nha khi bắt Lê Văn Châu đã buộc anh lột kiếng cận ra và tịch thu. Nhân chứng do cảnh sát dựng lên, nên sau khi nhận diện Châu lúc bị bắt, đã cứ thế khai thật khớp về nhân dạng, quần áo, tuổi tác; có điều lại quên không để ý đến việc Châu bị cận thị nặng!]
Vậy là anh Thụy Hùng đã dùng Lê Văn Châu để gỡ cho tôi. Luật sư bào chữa cho Châu (do tòa chỉ định) tỏ ra khá thích thú về ‘phát hiện’ mới này và nhân đó xoáy sâu vào việc cận thị của thân chủ ông ta. Tuy nhiên, đó chưa phải là điểm bất ngờ thú vịỳ nhất.
Ðiểm này dành cho luật sư Bùi Chánh Thời, do gia đình thuê bào chữa cho Phan Thanh Huân. Trước khi bị bắt, Huân là Thiếu úy Biệt động quân, đơn vị đang đóng bên Cambodge. Luật sư Thời lên tiếng:
– Vào ngày 10 tháng 11 năm 1971, thân chủ của tôi không thể nào có mặt tại Sài Gòn, ở con hẻm đường Kỳ Ðồng để giao lựu đạn cho bị cáo Hùng theo như cáo trạng ghi. Lý do rất đơn giản là vì vào đúng ngày đó, thân chủ tôi đang tham gia hành quân ở Cambodge. Bằng chứng cụ thể là ố Luật sư rút từ tập hồ sơ của mình ra một tờ giấy, dõng dạc đọc nguyên văn [tôi không nhớ nguyên văn mà chỉ nhớ nội dung]: “Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Biệt động quân… xác nhận ngày…, tháng…, năm…, Thiếu úy Phan Thanh Huân ố số quân… thuộc Ðại đội… Tiểu đoàn… đang cùng đơn vị hành quân tại tỉnh… Nay xác nhận, ký tên và đóng dấu Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng”. Xin trình quý tòa công văn này.
Luật sư Thời trịnh trọng cầm tờ giấy gửi lên chánh án, và nói tiếp, giọng hùng hồn hẳn lên: “Như vậy thân chủ của tôi đã có chứng cứ ngoại phạm không thể chối cãi, vì không thể cùng lúc Phan Thanh Huân có mặt tại chiến trường, đồng thời có mặt tại Sài Gòn, giao vũ khí cho bị cáo Hùng theo như bản cáo trạng đã ghi!”
Ðúng là một tình huống hoàn toàn ngoài dự liệu của tất cả mọi người, từ chánh án, thẩm phán đến công tố viên. Cả cảnh sát điều tra, dự thẩm hẳn cũng không ai lường được chuyện bất ngời xảy ra. Nhưng chẳng lẽ một giấy xác nhận có chữ ký, con dấu như vậy lại không có giá trị pháp lý để xác nhận cho một sĩ quan trực thuộc đơn vị về một vấn đề hết sức quan trọng?
Ðến đây, tôi xin mở ngoặc: thân phụ của Huân nguyên là Thiếu tá Biệt động quân, Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Phú Bài ở vùng I. Năm 1963, do bất mãn với chế độ độc tài Ngô Ðình Diệm, ông xin nghỉ nhưng vẫn còn uy tín nên khi Huân bị bắt lính, ông xin cho Huân qua Biệt động quân làm ‘lính kiểng’ (thực tế chỉ lo về quân y). Khi Huân bị bắt ông đã ‘chạy thuốc’ cho con ông ố tức tờ giấy xác nhận ‘đang ở chiến trường’ ấy. Ðó là liều thuốc cực mạnh, có ‘ép phê’ thấy rõ.
Chờ chánh án đọc xong công văn, gật gù và chuyển qua thẩm phán ngồi kế bên. Luật sư Phạm Thụy Hùng như đã tìm được đúng chìa khóa mở bung cánh cửa, xoáy vào vấn đề mấu chốt để bào chữa cho tôi:
– Thưa quý toà, như vậy Phan Thanh Huân không thể trao vũ khí cho thân chủ của tôi theo cáo trạng. Và như vậy, thân chủ của tôi lấy đâu ra vũ khí để cấu tạo cặp da, sử dụng trong vụ ám sát Giáo sư Bông? Ðã không có vũ khí làm sao thân chủ tôi có thể là thủ phạm trong vụ ám sát chính trị này?
Vụ án xoay chuyển làm các công tố viên và quan tòa lúng túng thấy rõ. Bởi theo luật tố tụng thời bấy giờ Tòa án Mặt trận Quân sự không thể trả vụ án về cơ quan cảnh sát để điều tra lại từ đầu vì phát hiện tình tiết mới; mà hễ đã xét xử là phải tuyên án. Cho nên chỉ sau khoảng nửa tiếng nghị án, phán quyết của tòa là tôi và Lê Văn Châu nhận án tù chung thân; riêng Phan Thanh Huân chỉ bị 18 tháng tù giam. Nhưng bản án của Huân đúng là chỉ tuyên cho có lệ, vì không thể nào với cáo buộc tội danh ‘cung cấp vũ khí cho Việt cộng’ mà mức án lại nhẹ hều như vậy. Hơn nữa, trên thực tế tính từ ngày bị tạm giữ, Huân đã ở tù quá 18 tháng.
Vậy là chỉ vài ngày sau, làm xong thủ tục, Phan Thanh Huân ung dung ra về. Còn Lê Văn Châu và tôi chẳng bao lâu bị đưa ra Côn Ðảo, nhưng chỉ hơn một năm sau, chúng tôi đã được tự do kể từ ngày 30-4-1975.
Trong bài báo nêu trên, tên khủng bố Vũ Quang Hùng cho biết lý do Giáo sư Bông bị ám sát là do chỉ thị của Tám Nam, phó ban An ninh T4 (tức khu vực Sài Gòn-Gia Ðịnh)”, mà Tám Nam là Thái Doãn Mẫn, sau này là đại tá Phó Giám đốc Công an Thành phố Sài Gòn. Tám Nam nói “Nếu để Giáo sư Bông nắm chức Thủ tướng thì chúng sẽ gặp khó khăn, bởi vì Giáo sư Bông là một trí thức có uy tín khiến Chính quyền Quốc gia chuyển từ quân sự sang dân sự sẽ có lợi cho địch”.
Như trên đã ghi, do phản đối của dư luận VietNamNet đã xóa bỏ bài này, nhưng Dân Việt và một số báo khác vẫn còn. Ðiều đó cho thấy những kẻ chủ trương khủng bố vẫn cương quyết vinh danh khủng bố; và báo Dân Trí [một trang mạng rất ăn khách, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên] hãnh diện cho đăng bài vinh danh Trịnh Thị Thanh Mão [xem hình], người từng có thành tích khủng bố, kẻ đã đánh bom ám sát từ năm 14 tuổi.
Bài báo giới thiệu “ký ức hào hùng” của bà Mão, cư dân làng Hà Xá, Triệu Phong, Quảng Trị, nói rằng vào năm 1964, khi đó chỉ mới 14 tuổi, Mão [xem hình] đã quyết định tiếp bước bố và anh trai đi theo con đường cách mạng. Trong số những mục tiêu bị Mão tiêu diệt, có cả “1 xe của viên quận trưởng Hương Trà”. Năm 18 tuổi, Mão được kết nạp vào đảng CSVN, tham gia đoàn ngũ Nhân dân tự vệ, được làm trung đội phó. Năm 20 tuổi [1970] được giao nhiệm vụ ám sát Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nhưng súng không nổ, vụ ám sát hụt trôi qua không ai biết… Ðến năm 1971 Mão được chuyển lên chiến khu và được bầu làm Phó Bí thư Ðảng ủy Triệu Ái… Tháng 4.1972, trong một cuộc tấn công để giải phóng thành cổ Quảng Trị, Mão bị trúng đạn và bị thương rất nặng, không chiến đấu được, phải chuyển ra hậu phương miền Bắc để chữa trị và an dưỡng… Về sau, Mão nói: “Mình may mắn hơn đồng đội là còn sống vì vậy còn chút sức nào tôi còn phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng”..
Giáo Sư Bông bị tên khủng bố Vũ Quang Hùng giết, vì CSVN nhận thấy, qua miệng của Tám Nam: “Nếu Giáo sư Nguyễn Văn Bông trở thành Thủ tướng, miền Nam Việt Nam sẽ khá hơn”. Do vậy, “Cuộc xâm lăng Miền Nam của Cộng sản Bắc Việt sẽ khó thành tựu”. Bây giờ vinh danh Vũ Quang Hùng cũng là cách vinh danh khủng bố, vinh danh chủ trương giết chết tất cả mọi thành phần có thể trở thành trở lực cho việc cai trị đất nước bằng độc đảng độc tài; vinh danh những kẻ liều mạng khủng bố giết chết mọi người tài có thể đưa đất nước tiến bộ trước đây, bây giờ và mai sau. Ðiều này khiến dư luận thấy rõ chân tướng khủng bố của CSVN, nên bài viết của Vũ Quang Hùng bị gõ bỏ khỏi VietNamNet.
Nhưng, bài báo vinh danh cô giái khủng bố Trịnh Thị Thanh Mão vẫn còn nguyên trên Dân Trí. Nó cho thấy CSVN lúc nào cũng vinh danh những kẻ trung thành với Ðảng, cho dầu kẻ đó thất học, chỉ cần biết tuân lịnh Ðảng, cho dầu có phải nhúng tay vào máu, giết người để lập thành tích, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng, bất kể đó là sự nghiệp “đểu” khiến cả nước triền miên trong đói nghèo, lạc hậu
Không biết tới nay, có bao nhiêu người nói được câu nói cuối cùng của Mão trong khi sự nghiệp cách mạng sau 36 năm hoàn tất cuộc xâm lăng miền Nam của Cộng sản Bắc Việt chỉ là sự nghiệp đưa đất nước, hay rõ hơn là Miền Nam Việt Nam, từ chỗ phồn vinh ngang hàng các quốc gia phồn vinh trong vùng Ðông Nam Á Châu chẳng những xuống hàng bệ rạc của các quốc gia nghèo đói nhứt thế giới, mà còn bước vào thời đại “đồ đểu” tệ hại nhứt loài người.
Ðã vậy, trong lúc nhân loại chủ trương diệt trừ khủng bố thì CSVN lại chủ trương tiến hành khủng bố và vinh danh khủng bố, một hành động được đánh giá là khốn nạn hơn cả khốn nạn.
Hẹn con thư sau,
Giáo Già
Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: