BBC ngày 10/02/2011

BBC
  • Ngoại trưởng Ai Cập chỉ trích Mỹ
  • Ân xá Quốc tế lại lên tiếng về LM Lý
  • Đài RFA kêu gọi thả ông Cù Huy Hà Vũ
  • Báo quân đội cải chính tin tập trận
  • Nhà báo Singapore đón Tết Hà Nội

Ngoại trưởng Ai Cập chỉ trích Mỹ

Ông Aboul Gheit đã giữ chức Ngoại trưởng Ai Cập từ bảy năm nay.

Ngoại trưởng Ai Cập đã bác bỏ lời kêu gọi từ Washington đòi nước này tăng tốc cải cách chính trị.

Về việc Mỹ đòi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, ông Ahmed Aboul Gheit nói Washington không nên “áp đặt” ý muốn của mình lên “một quốc gia vĩ đại”.

Nhiều ngàn người Ai Cập đã biểu tình kể từ hôm 25/1, kêu gọi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức.

Trong hôm thứ Tư, các cuộc biểu tình tại Cairo đã lan vào quốc hội Ai Cập, và tình trạng bạo lực, đình công cũng nổ ra tại các thành phố khác.

Phản hồi ông Aboul Gheit, Tòa Bạch Ốc nói các kế hoạch chuyển tiếp của Ai Cập vẫn chưa đủ đáp ứng những kêu gọi thay đổi.

Phát ngôn viên Robert Gibbs nói: “Tôi cho rằng rõ ràng những gì chính phủ đưa ra cho đến nay thì vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi tối thiểu của người dân Ai Cập.”

“Chớ áp đặt”

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng PBS, ông Aboul Gheit nói Ai Cập đang trải qua một “biến động”, và chỉ trích mạnh mẽ các tuyên bố của Hoa Kỳ về tình hình Ai Cập, kể cả tuyên bố của Phó Tổng thống Joe Biden.

Hãy để chúng tôi có quyền kiểm soát, ổn định đất nước, ổn định nhà nước, rồi sau đó chúng tôi sẽ… xem xét vấn đề.

Ngoại trưởng Ai Cập Aboul Gheit

Ông Aboul Gheit nói rằng, rõ ràng việc ông Biden kêu gọi phải có hành động “nhanh chóng, ngay lập tức” từ phía Ai Cập đồng nghĩa với việc “áp đặt ý muốn của quý vị” lên một đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ.

Về vấn đề luật tình trạng khẩn cấp của Ai Cập, vốn đã được áp dụng từ bốn thập niên nay, ông Aboul Gheit nói bản thân ông thấy “ngạc nhiên” khi ông Biden được cho là đã khuyến nghị dỡ bỏ luật này.

Trong lúc gần đây có các cuộc biểu tình diễn ra trên đường phố thì tại các nhà tù cũng xảy ra tình trạng phá ngục, khiến gần 17.000 tù nhân từ các trại giam đổ ra đường phố, ông ngoại trưởng nói.

“Làm sao mà quý vị lại có thể đòi tôi bỏ… luật tình trạng khẩn cấp đúng lúc chúng tôi đang gặp khó khăn? Hãy để chúng tôi có quyền kiểm soát, ổn định đất nước, ổn định nhà nước, rồi sau đó chúng tôi sẽ… xem xét vấn đề.”

Sau thái độ ngần ngại ban đầu không muốn dính dáng công khai tới các vấn đề nội bộ của Ai Cập, Tòa Bạch Ốc trong những ngày gần đây đã liên tục kêu gọi hãy có một “quá trình chuyển đổi một cách trật tự” ở Ai Cập.

 

Ân xá Quốc tế lại lên tiếng về LM Lý

Linh mục Nguyễn Văn LýLinh mục Nguyễn Văn Lý được cho về trị bệnh hôm 15/03/2010

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) lên tiếng kêu gọi mọi người gửi thư tới lãnh đạo Việt Nam đòi trả tự do cho linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý.

Trong thông cáo ra ngày 09/02, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại London viết vị linh mục 64 tuổi đang đứng trước nguy cơ phải quay lại trại giam vào giữa tháng Ba này cho dù “sức khỏe yếu”.

“Ông bị tai biến mạch máu não trong tù hồi tháng 1/2009, khi bị biệt giam, hậu quả là bị liệt nửa người. Ông không được chữa trị một cách thích đáng.”

“Kể từ khi được cho về trị bệnh, ông vẫn bị quản thúc tại gia ở Nhà Chung, Huế.”

Ân xá Quốc tế nói tuy linh mục Lý bị bỏ tù năm 2007 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước, tổ chức này coi ông là tù nhân lương tâm, bị bắt và tù đày vì phổ biến một cách hòa bình quan điểm của ông về dân chủ và nhân quyền.

“Cha Nguyễn Văn Lý là một trong hơn 30 nhân vật bất đồng chính kiến hiện đang bị cầm tù ở Việt Nam trong nỗ lực của chính quyền nhằm dập tắt chỉ trích đối với các chính sách của nhà nước cũng như các cáo buộc vi phạm nhân quyền.”

Tổ chức từng được giải thưởng Nobel về Hòa bình nói chính phủ Việt Nam đang sử dụng các điều khoản lời lẽ mơ hồ của Luật Hình sự để trì dập và hình sự hóa quyền tự do ngôn luận, trái với các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

“Ít nhất 22 nhân vật đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền đã bị truy tố và khép án tù nhiều năm kể từ tháng 10/2009 tới nay.”

Ký thỉnh nguyện thư

Ân xá quốc tế kêu gọi mọi người gửi thư tới lãnh đạo Việt Nam, cụ thể là Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh, đồng thời thông báo cho Đức Giám mục Leopoldo Girelli – đại diện không thường trực của Tòa tháng Vatican tại Việt Nam, yêu cầu trả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện” cho linh mục Nguyễn Văn Lý.

Tổ chức này cũng kêu gọi không đưa linh mục Lý trở lại trại giam khi thời gian hoãn thi hành án của ông hết hạn vào tháng Ba này.

Mới đây, linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý đã cho phổ biến trên mạng internet một bản di chúc mà ông đánh số 1, trong đó có nhắc tới khả năng ông sẽ phải quay lại nhà tù vào ngày 15/03, khi hết một năm được về nhà trị bệnh.

Ông nói với đài BBC từ Nhà Chung hồi đầu tuần rằng thời hạn chữa bệnh sắp hết mà chưa thấy có tin tức gì từ chính quyền, nên “rất có thể họ s̃ẽ chuyển tôi vào lại trại giam”.

Linh mục Lý cũng nói ông sẽ “tuyệt thực nhiều lần” để phản đối chính sách của chính phủ, đồng thời sẽ không chấp nhận chữa bệnh trong tù nếu không được công nhận là tù nhân lương tâm.

 

Đài RFA kêu gọi thả ông Cù Huy Hà Vũ

Tổng Giám đốc RFA Libby LiuBà Liu kêu gọi Hà Nội trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ

Đài Châu Á Tự do (RFA) đã gửi thư lên Tòa án TP Hà Nội bày tỏ quan ngại và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ.

Gia đình ông Vũ vừa công bố bức thư đề ngày 25/01 của bà Libby Liu – Tổng Giám đốc đài phát thanh bằng chín thứ tiếng châu Á, trong đó có tiếng Việt, gửi Tòa án Nhân dân TP Hà Nội.

Trước đó, gia đình ông Cù Huy Hà Vũ đã có yêu cầu RFA cùng với đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) tham gia quá trình tố tụng vì “trong cáo trạng đối với ông Vũ” có lấy việc ông trả lời phỏng vấn hai đài này làm chứng cứ cho việc ông vi phạm luật pháp.

Ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt ngày 05/11/2010 tại TP Hồ Chí Minh và hiện đang bị tạm giam để điều tra hành vi Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Tuy không nhắc gì tới yêu cầu của gia đình ông Vũ, thư của bà Liu viết rằng RFA được tin rằng ông tiến sỹ luật bị buộc tội Tuyên truyền chống Nhà nước và cáo buộc này một phần là do ông đã tham gia vào một cuộc phỏng vấn với đài Châu Á Tự do.

Thư viết: “Quyền của ông Cù Huy Hà Vũ được trao đổi với đài Châu Á Tự do (cũng như bất cứ ai khác) và bày tỏ quan điểm của mình về bất cứ chủ đề gì đã được bảo hộ một cách rõ ràng trong Điều 19 của Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”.

Bà Liu dẫn Điều 19 trong bản tuyên ngôn mà Chính phủ Việt Nam cũng đã công nhận, quy định “Tất cả mọi người đều có quyền tự do chính kiến và ngôn luận”.

Theo bà tổng giám đốc, quyền của ông Cù Huy Hà Vũ cũng đã được ghi rõ trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, mà Việt Nam đã ký năm 1982.

“Truy tố ông Vũ về việc thực thi quyền con người cơ bản này chính là vi phạm luật pháp quốc tế.”

Thư của bà Libby Liu kết thúc bằng kêu gọi phóng thích ngay lập tức cho ông Cù Huy Hà Vũ, xóa bỏ cáo trạng đối với ông và cho phép ông được tự do bày tỏ quan điểm của mình.

Hiện chưa có phản hồi gì từ phía cơ quan công quyền của Việt Nam về lá thư của RFA.

Chưa rõ bao giờ ông Cù Huy Hà Vũ sẽ được mang ra xét xử.

Thân nhân của ông bày tỏ hy vọng phiên tòa có thể diễn ra trong vài tuần tới. Họ cũng muốn xin cho ông được tại ngoại hầu tra, nhưng chưa được trả lời.

 

Báo quân đội cải chính tin tập trận

Chiến đấu cơ Mỹ trên hàng không mẫu hạm USS George  Washington đậu ngoài khơi Việt Nam 8/2010

Báo Quân đội Nhân dân trích nguồn Bộ Quốc phòng nói Việt Nam không tham gia tập trận Hổ mang Vàng (Cobra Gold) lần thứ 30 ở Thái Lan.

Sáng thứ Năm 10/02, các báo Việt Nam đồng loạt đăng lại bản tin này.

Trước đó, Hãng tin Nhật Bản Kyodo cho hay Việt Nam cùng chín quốc gia khác, mỗi nước cử ba người, tham gia các hoạt động về mặt lên kế hoạch tác chiến trong khuôn khổ cuộc tập trận.

Thông tin của Kyodo gây chú ý bởi vì từ 2003, mọi năm Việt Nam chỉ ngồi ghế quan sát viên.

Tuy nhiên, thứ Tư 09/02, báo Quân đội Nhân dân của Bộ Quốc phòng dẫn lời bộ này “khẳng định Việt Nam không tham gia cuộc tập trận này”.

Bản tin ngắn của báo quân đội không nói rõ việc tham dự hoạt động lên kế hoạch có được coi là “tham gia tập trận” hay không.

Trong khi đó, Hoa Kỳ hôm 08/02 vừa ra Chiến lược Quân sự Quốc gia, trong đó Lầu Năm góc vận động để có thêm các cuộc tập trận với Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Lâu nay, các hoạt động trao đổi quân sự với Hoa Kỳ thường được truyền thông trong nước phản ánh một cách kín đáo và có kiềm chế, chứng tỏ thái độ thận trọng khi nói về quan hệ quốc phòng với quốc gia cựu thù này.

‘Gây hiểu lầm’

Hồi tháng Tám năm ngoái, sau khi Hạm đội 7 hải quân Hoa Kỳ có một số hoạt động hợp tác với hải quân Việt Nam kéo dài trong một tuần, Việt Nam lên tiếng đây là chuyện bình thường, theo thông lệ và nhân dịp kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ.

Vì trước đó chưa từng có sự trao đổi mạnh mẽ như vậy, với việc cán bộ và sỹ quan Việt Nam thăm hàng không mẫu hạm USS George Washington neo đậu ngoài khơi và khu trục hạm USS John S. McCain cập cảng Tiên Sa, nên báo chí nước ngoài đã đưa tin dày đặc về các sự kiện này.

Giới quan sát được dẫn lời cho đây là chỉ dấu cho sự trở lại của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á, cũng như bằng chứng cho việc Việt Nam tìm kiếm đối trọng với ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.

Thế nhưng cũng dày đặc không kém là các thông tin và bình luận trên báo chí Trung Quốc, đả phá sự “can thiệp” của Hoa Kỳ tại Biển Đông và cảnh báo Việt Nam không nên quá trông đợi vào người Mỹ.

Sau đó, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh, cũng thông qua báo Quân đội Nhân dân, đã nói rằng báo chí nước ngoài “hiểu sai về mức độ quan hệ” quốc phòng hai bên.

Ông Vịnh chỉ trích một số báo nước ngoài mà ông không nêu tên đã đưa “thông tin một chiều, thiếu khách quan, chưa tôn trọng Việt Nam – hồ đồ nhận định rằng Việt Nam theo đuôi Mỹ”, không có lợi cho quan hệ Việt-Trung.

“Đây là cách thông tin thiếu trách nhiệm, làm cho vấn đề trở nên phức tạp.”

Ông cũng nói bình luận rằng Việt Nam tăng cường quan hệ hải quân với Mỹ là để cân bằng sức mạnh tại Biển Đông là “không có căn cứ và thiếu hiểu biết về chính sách Quốc phòng Việt Nam”.

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam khẳng định Việt Nam luôn chủ trương “dựa vào sức mình là chính”, “độc lập tự chủ, chủ trương không tham gia liên minh quân sự, không dựa vào nước này để chống nước kia”.

 

Nhà báo Singapore đón Tết Hà Nội

Jennifer Alejandro

Gửi tới BBC từ Hà Nội

Tết Âm lịch là một trong số dịp lễ ở hầu hết các nước ở Đông Nam Á. Dù đó là Tết Trung Quốc hay Tết Việt Nam, không khí chủ đạo bao trùm trong mùa lễ hội vẫn là đoàn tụ với gia đình, bạn bè, chúc nhau thịnh vượng và những khởi đầu mới tốt đẹp.

Tôi đến từ Singapore nên không lạ chuyện đón Tết theo âm lịch.

Hà Nội thật tuyệt vời vào mùa này trong năm. Nhiệt độ khoảng 14 đến 16 độ C, thời tiết không chê vào đâu được.

Bầu không khí xung quanh mang lại cảm giác hư hư thực thực trong những ngày lễ Tết này. Những tòa nhà xây từ thời Pháp thuộc đan xen với căn nhà bản địa có mái hiên chạy dọc khu phố ở quận Hoàn Kiếm đưa người ta về một quá khứ xa xăm, gợi nhớ đến kho tàng lịch sử giàu có của đất nước này và của thành phố với nhiều nét ảnh hưởng của Á Đông và Phương Tây.

Người Việt Nam gọi năm mới của họ là Tết Nguyên Đán. Đấy là những ngày lễ hội nhất. Giao thừa và ba ngày đầu năm mới là những ngày lễ hội quan trọng nhất, nhưng dịp lễ này thường kéo dài đến tận ngày 15 của tháng Giêng.

Trong khi người Hoa đón mừng năm con Thỏ thì người Việt Nam đón năm con Mèo.

Những ai sinh năm Mão (1939,1951,1975,1987,1999) thường là những người giỏi giao tiếp, có tài, tham vọng và học giỏi.

Hà Nội nổi tiếng với các toà nhà có từ thời Pháp

Người tuổi Mẹo còn là người kiên nhẫn, biết chờ thời cơ thuận lợi trước khi hành động.

Tuy nhiên, dù cả thế giới biết về năm mới của người Hoa vì có nhiều báo chí nói về sự kiện này, nhưng nhiều khách du lịch không biết rằng thời điểm này trong năm rất đặc biệt với người Việt Nam.

Những người đi xa thì về nhà đoàn tụ gia đình. Nhiều của hàng đóng cửa trong ba ngày Tết. Việc đi lại khá bất tiện vì mấy người lái xe taxi, các tay xe ôm cũng đang nghỉ lễ.

Không khí Tết

Thế nhưng, người ta vẫn có thể cảm nhận được không khí Tết, nhất là vào ngày 30 giáp Tết. Khoảng hai trăm nghìn người đổ về bờ hồ Hoàn Kiếm. Gia đình, bạn bè, đôi lứa, và khách du lịch chen chúc nhau trên đường.

Kẻ bán bóng bay, người bán bỏng ngô trên xe đạp nhỏ và cảnh sát mặc thường phục rảo sát khu bờ hồ.

Thậm chí còn có màn biểu diễn văn nghệ gần chiếc cầu Thê Húc đỏ nổi tiếng nữa. Đúng thời khắc giao thừa, pháo hoa được bắn tung lên bầu trời và soi vào mặt nước bờ hồ Hoàn Kiếm, khiến bao kẻ thưởng lãm pháo hoa, khách du lịch lẫn người bản xứ, đều hớn hở đón chào, hòa chung vào niềm vui của đất trời và của ngày lễ hội đang đón chào tất cả.

Trong vòng 15 phút trình diễn pháo hoa đó, máy ảnh bắt đầu nháy liên tục, người người nở nụ cười khi đi tạt qua nhau. Cuối màn trình diễn pháo hoa, đám đông ồ lên một tiếng trầm trồ cảm kích rồi lũ lượt về nhà.

Đi bộ giữa đường phố với từng ấy con người, ta vẫn cảm thấy được tinh thần đoàn kết, cùng nhau chiêm ngưỡng cảnh đẹp và đón chào năm Tân Mão.

Thăm hỏi nhau trong ba ngày Tết là tập tục truyền thống. Ngày mùng một là ngày quan trọng nhất. Đó là ngày của gia đình. Ai cũng phải ở nhà, quây quần, trò chuyện và chúc nhau những lời tốt lành cho năm mới. Người ta còn “lì xì” những bao tiền nhỏ.

Ở các nước Châu Á khác, bao lì xì còn được gọi là “hong bao” hoặc “ang bao” nhưng tập tục thì vẫn thế, một phong bì đỏ với một ít tiền trong ấy cho trẻ con hoặc những người chưa lập gia đình. Người nhận lì xì chúc người cho được nhiều may mắn trong việc học hành và cuộc sống.

Một nét tương đồng khác tôi phát hiện ra là tập tục cẩn thận với những gì người ta nói hoặc làm trong ngày đầu năm. Người Việt Nam tin rằng những gì bạn làm trong ba ngày Tết có thể là cái huông ảnh hưởng đến cả năm.

Thế nên nhiều người không lau chùi gì cả. Quét bụi ra khỏi nhà nghĩa là quét sự may mắn và tiền bạc đi. Không nên làm đổ vỡ bát đĩa, gương soi nữa. Đấy là điềm có đổ vỡ trong gia đình. Không được nói những lời xui xẻo vì làm như vậy có thể mang lại điềm xấu cho cả năm.

Một khía cạnh thực sự tuyệt vời của ngày lễ hội này là cảnh họp chợ – một điều không thể bỏ qua. Những người bán hàng rong rao giòn giã cho mặt hàng mứt Tết và các cây cảnh trang trí ngày Tết như cây quất, cây hoa đào.

Thời điểm này bắt đầu một hoặc hai tuần trước Tết và cả thành phố nhộn nhịp, náo loạn với cảnh nhà nhà đổ xô đi mua sắm, dự trữ thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác vì nhiều cửa hàng sẽ đóng cửa vào dịp Tết.

Cây quất trĩu quả tượng trưng cho sự sung mãn còn hoa đào thì mang lại may mắn và hạnh phúc. Truyền thống này khá giống với tục đón năm mới của các nước Đông Nam Á khác.

Bạn phải thử qua ẩm thực ở Hà Nội trước Tết. Người quản lý khách sạn nơi tôi ở giới thiệu món ăn dân gian ngày Tết gọi là Bánh ăn ngày Tết, một loại bánh nếp gói với đậu xanh, thịt ba rọi và lá chuối.

Ở Việt Nam, tầm quan trọng của việc ăn uống trong mấy ngày Tết là điều hiển hiện ăn sâu trong truyền thống văn hóa tôn trọng gia đình, cộng đồng, người cao tuổi và còn là một nét văn hóa chung gợi nhớ về cội nguồn.

Xin mời bạn đến Hà Nội ăn Tết nếu bạn muốn có một cái nhìn sâu sắc về Việt Nam và dân tộc này. Phần tôi, tôi đã đến và chắc chắn sẽ còn trở lại nữa.

Happy New Year! Chúc Mừng Măm Mới!

Jennifer Alejandro là một nhà báo người Singapore, đến Hà Nội lần đầu trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua và gửi bài chia sẻ cảm xúc với BBC Tiếng Việt.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: